Sau một thời gian khá dài vợ chồng xa cách, để “hợp lý hóa” gia đình,
Thiếu tá Lê Thị Thanh Hồng đã bén duyên với nhiệm vụ mới, thực hiện chức trách,
nhiệm vụ Trợ lý công đoàn-phụ nữ, Học viện Hậu cần (HVHC). Bằng nhiệt huyết và
tinh thần cầu thị, ham học hỏi, chị Lê Thị Thanh Hồng ngày càng khẳng định thế
mạnh của bản thân.
Năm 2003, tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm chuyên ngành Ngữ văn
với tấm bằng giỏi, Lê Thị Thanh Hồng được giữ lại làm giảng viên nhà trường. 3
năm sau, chị có bước ngoặt lớn của cuộc đời khi quyết định đầu quân về Trường
Sĩ quan Lục quân 2, làm giảng viên Bộ môn Văn Khoa cơ bản. Giảng viên trẻ Lê
Thị Thanh Hồng đã “hớp hồn” Đại úy Trần Nam Cường-là quản lý học viên lớp chị
dạy ngay buổi đầu lên lớp. Để rồi mỗi ngày, chàng sĩ quan trẻ lại mong ngóng đến
giờ lên lớp của giảng viên Hồng. Sự nhiệt tình theo dõi giờ học của chàng sĩ
quan trẻ nói giọng Bắc ấm áp làm Hồng tò mò, chú ý. Theo thời gian, tình cảm
của cả hai lớn dần lúc nào không biết. Năm 2009, được sự vun vào của đồng chí đồng
đội, bố mẹ hai bên, đám cưới của Cường-Hồng được tổ chức tại đơn vị.
Nhớ lại những ngày đầu về nhận công tác tại HVHC, môi trường mới, nhiệm vụ mới, chị Hồng bảo: “Đó là khoảng thời gian tôi phải đấu tranh với bản thân ghê lắm. 14 năm đứng trên bục giảng, nay tôi chuyển sang nhiệm vụ mới nên không tránh khỏi những hụt hẫng, bâng khuâng. May mắn tôi có người chồng luôn thấu hiểu và đồng hành trong cuộc sống. Anh đã phân tích, động viên tôi khắc phục khó khăn, tự tin thực hiện nhiệm vụ tổ chức phân công”.
Nỗi nhớ đơn vị cũ cũng dần nguôi ngoai, trong vai trò “thủ lĩnh” đoàn viên công đoàn và phụ nữ của HVHC, Thiếu tá Lê Thị Thanh Hồng hăng hái với công việc mới. Quan điểm của chị đặt ra: Hoạt động công đoàn và phụ nữ HVHC muốn thực chất, hiệu quả phải hướng tới quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, đoàn viên, hội viên. Cùng với đó, chị chủ động tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện tổ chức, triển khai nhiều hoạt động phong trào như: Đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; gia đình quân nhân hiếm muộn...
Cứ vậy, hoạt động phụ nữ và công đoàn học viện ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng và thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. Tính đến nay, sau hai năm phụ trách công tác công đoàn-phụ nữ HVHC, phong trào quần chúng học viện đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa: Xây được hai mái ấm công đoàn tặng hai đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; 6 trường hợp vô sinh hiếm muộn đang công tác tại học viện nhận được sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng; tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà gia đình thương binh-liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên...
Cùng với xây dựng hoạt động phong trào quần chúng, chị Hồng dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Nói về giải nhất Tuổi trẻ sáng tạo năm 2021 với đề tài “Giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong việc phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên nữ HVHC”, Thiếu tá Lê Thị Thanh Hồng cho biết: “Ở HVHC, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của chị em, công tác quy hoạch cán bộ nữ luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện quan tâm, tạo điều kiện. Hiện học viện có một nữ tham gia Đảng ủy, số đảng viên nữ tham gia cấp ủy các cấp chiếm 2,82% tổng số cán bộ, hội viên nữ; có 13/319 cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc... Kết quả trên là một trong những động lực quan trọng để tôi thêm quyết tâm nghiên cứu”.
Khi trò chuyện cùng chúng tôi, Thiếu tá Lê Thị Thanh Hồng khiêm tốn cho rằng: “Những thành công mà tôi đạt được đều nhờ vào sự động viên của một nửa yêu thương; sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và sự ủng hộ nhiệt tình của đồng chí đồng đội”.
Thiếu tá Lê Thị Thanh Hồng (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét