Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

 

VẪN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CŨ RÍCH VỀ CUỘC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM

Nhân sự kiện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 20 diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua, RFA tiếng Việt đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Tổng Trọng lại mạnh miệng hô hào chống tham nhũng để “đánh bóng” tên tuổi”. 

Bài viết của RFA đã dẫn lời blogger Đỗ Ngà cho rằng “hiệu quả chống tham nhũng là không hiệu quả” với lập luận “xảy ra tham nhũng là bản chất của bộ máy công quyền này; bản chất của một Nhà nước nào không minh bạch thì tạo cơ hội cho tham nhũng”. Từ những nhận định vô căn cứ này, Đỗ Ngà đã lớn tiếng quả quyết rằng quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm mục đích “đánh bóng tên tuổi”. 

Đỗ Ngà nói như sau:

“Thật ra, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giống như là một công tác ‘quảng bá’ cho bản thân ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đúng hơn. Tại vì, khi ông Trọng buộc tội hoặc đưa vào tù những quan chức này thì sẽ ‘lấp’ về những quan chức khác. Thực sự, những quan chức khác đó có tốt hơn những quan chức cũ hay không thì lại là một vấn đề nữa.

Rõ ràng từ trước tới giờ qua các thời Tổng bí thư thì ông Trọng chống tham nhũng quyết liệt nhất. Tức là thành tích của ông Trọng, thành tích để tô hồng cho bản thân ông Trọng rất là ấn tượng. Nhưng mà sau khi ông Trọng chống tham nhũng thì bộ máy được sạch hơn hay không. Đó mới là vấn đề quan trọng, trong khi hầu hết người dân không quan tâm đến vấn đề sau chống.”

Bên cạnh những “bình loạn” của Đỗ Ngà, RFA còn dẫn lại phát biểu của một số cá nhân khác, đây cũng là những cộng tác viên quen thuộc của nhà đài có “thâm niên” chống Việt Nam này như TS Nguyễn Quang A, Đinh Đức Long, Đỗ Việt Khoa, Hà Hoàng Hợp. Họ rêu rao, tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền; do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng… Từ đó,  lớn tiếng “phán” rằng, “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”, và để chống tham nhũng được hiệu quả thì  hải cần xây dựng bốn thể chế quan trọng, đó là “thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và có các tổ chức xã hội dân sự hoạt động lành mạnh và sôi động”. Cùng với đó, họ còn lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc hòng biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện “thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị”…


Thực ra những luận điệu trên đây không có gì mới khi đã từng được RFA nhiều lần đưa ra để công kích, tấn công, xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Cũng chính vì thế những âm mưu, ý đồ đằng sau những luận điệu vu cáo, xuyên tạc như trên đã nhanh chóng bị nhận diện.

Thực tiễn cho thấy, tham nhũng có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đều được các nước đặc biệt quan tâm, xây dựng các thiết chế để ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi. Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực vô cùng khó khăn, phức tạp; ngay cả Liên hợp quốc cũng ban hành những Điều ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà rất nhiều quốc gia là thành viên. Nói như vậy, luận điệu cho rằng tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam là một sự quy chụp, xuyên tạc, vô căn cứ.

Tại Việt Nam hiện nay, tham nhũng được xác định là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng được gọi là đấu tranh với “giặc nội xâm”. Theo đó, Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách, văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu biểu như Bộ luật Hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng…. Thực tế thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm, chú trọng thực hiện với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt nhất. 

Phát biểu tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Phòng, chống tham nhũng thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên”.

Cũng tại phiên họp, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021, cho thấy ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 70 tổ chức đảng và hơn 8.000 đảng viên; trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Báo cáo cũng cho biết có 1.850 vụ án mới bị khởi tố liên quan đến tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021; đồng thời, cũng đã xét xử kịp thời bốn vụ án tham nhũng trọng điểm: vụ tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM; vụ Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Rõ ràng, bất kể là ai, có chức vụ cao hay thấp, vị trí công tác ở lĩnh vực nào đi nữa, nếu có hành vi tham nhũng, lãng phí đều chịu sự điều chỉnh, bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Công tác phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối với bất kể người đó là ai. Với quan điểm, thực tiễn rõ ràng, cụ thể như vậy, luận điệu: “Phòng chống tham nhũng đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực”; “Đảng không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”… là rất trơ trẽn. Do vậy, mỗi chúng ta cần nâng cao cảnh giác, nhận thức đầy đủ về cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, tránh bị những kẻ xấu lôi kéo, tin vào những luận điệu sai trái./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét