Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Vì sao bỏ điểm trung bình các môn ở bậc THCS và THPT?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời VnExpress về điểm mới trong đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT. - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS và THPT, trong đó điểm nổi bật là bỏ điểm trung bình các môn và không phân biệt môn trong đánh giá, xếp loại. Vì sao lại có sự thay đổi này, thưa ông? - Trước đây theo thông tư 26, chúng ta cộng trung bình các môn lại, nếu đạt 8 trở lên cùng điều kiện một trong ba môn Toán, Ngữ văn hoặc Tiếng Anh đạt 8 trở lên, không môn nào dưới 6,5 sẽ được xếp loại học lực giỏi. Với cách tính điểm này, có 4-5 môn đạt 9-10 và 5-6 môn còn lại đạt 6,5 cũng có thể được học lực giỏi do điểm môn nọ bù trừ cho điểm môn kia. Cách tính điểm vậy cũng hình thành kiểu hỏi "Cháu được mấy phẩy tổng kết"? Mọi người chỉ nhớ đến điểm tổng kết chứ không nhớ môn nào được 9-10, không biết học sinh có năng lực tốt ở môn học nào. Còn ở thông tư 22, dù không tính điểm trung bình tất cả môn, việc được đánh giá kết quả học tập ở mức "tốt" vẫn khá khó với yêu cầu 6/8 môn có tính điểm phải đạt từ 8 trở lên, 2 môn còn lại từ 6,5 trở lên. Nhìn vào bảng điểm, người xem có thể biết học sinh có năng khiếu ở môn nào, nên khai thác khía cạnh nào. Việc bỏ yêu cầu một trong ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh phải đạt 8 trở lên sẽ giúp loại bỏ quan niệm phân biệt môn chính - phụ trong đánh giá, phân loại. Các môn bình đẳng như nhau. - Ngoài bỏ điểm trung bình các môn, không phân biệt môn chính - phụ, cách đánh giá học sinh ở văn bản mới có gì khác biệt so với hiện nay? - Thông tư 26/2020 là xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh, còn thông tư 22 gọi là đánh giá kết quả rèn luyện và học tập. Với kết quả rèn luyện, văn bản mới đưa ra 4 mức là "tốt", "khá", "đạt" và "chưa đạt". Với kết quả học tập, các loại học lực "giỏi", "khá", "trung bình", "yếu", "kém" không còn. Các môn đánh giá bằng nhận xét gồm Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ còn hai mức là "đạt" và "chưa đạt". Các môn đánh giá bằng kết hợp nhận xét và điểm số thì có 4 mức là "tốt", "khá", "đạt" và "chưa đạt". Với chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh THCS có 12 môn bắt buộc, học sinh THPT có 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. Trừ những môn đánh giá bằng nhận xét, có 8 môn sẽ đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Học sinh được xếp mức "tốt" nếu các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức "đạt", 6/8 môn đánh giá bằng nhận xét và điểm số đạt 8 trở lên. Về khen thưởng, với thông tư 26 hiện nay, học sinh được trao danh hiệu "học sinh giỏi" học kỳ hoặc cả năm nếu đạt hạnh kiểm tốt, học lực giỏi; "học sinh tiên tiến" nếu hạnh kiểm khá và học lực khá trở lên. Thông tư 22 bỏ danh hiệu "tiên tiến", chỉ còn "giỏi" và "xuất sắc". Học sinh "xuất sắc" nếu có kết quả rèn luyện và học tập cả năm đạt mức "tốt" và có ít nhất 6 môn được đánh giá bằng nhận xét và điểm số có điểm trung bình cả năm đạt 9 trở lên. Học sinh "giỏi" nếu kết quả rèn luyện và học tập cả năm đạt mức "tốt". Việc bỏ trao thưởng "tiên tiến" bởi như hiện nay danh hiệu này quá nhiều, mà khi nhiều thì dẫn đến không còn giá trị, động lực phấn đấu cho học sinh. - Việc đánh giá bằng nhận xét có thể gây quá tải cho giáo viên khi dạy nhiều lớp, như từng xảy ra với bậc tiểu học. Quan điểm của ông về việc này thế nào? - Thông tư 26 và 22 đều quy định hai hình thức đánh giá là nhận xét hoặc kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Tuy nhiên, việc đánh giá bằng nhận xét ở văn bản mới quy định cụ thể hơn. Giáo viên dùng hình thức nói và viết để nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình học. Ngoài ra, giáo viên phải hướng dẫn học sinh tự nhận xét về mình. Phụ huynh, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cũng được cung cấp thông tin phản hồi về quá trình học tập và rèn luyện của các em. Nhận xét ở đây được coi là phương pháp dạy học và thực hiện trong quá trình tổ chức dạy học. Nó được khuyến khích theo hình thức tương tác trực tiếp giữa thầy và trò chứ không phải nhận xét vào sổ vì làm như vậy thì đến hết năm học có thể học sinh vẫn chưa tiếp cận lời nhận xét đó, chưa được khuyến khích, chưa thấy điểm mạnh, hạn chế mà cố gắng. Hiểu được điều này, thầy cô sẽ không thấy áp lực. Nó không mới mà chỉ là kế thừa từ trước. Vốn dĩ khi học sinh làm bài tập hay trong quá trình dạy học, thầy cô vẫn thường có những lời nhận xét cho các em. - Giáo viên cần làm gì để thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại theo thông tư này? - Để thực hiện tốt thông tư 22, khi tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, thầy cô phải nhớ kiến thức là công cụ, nguyên liệu để học sinh phát triển năng lực và thầy cô phải làm thế nào để học sinh học được và vận dụng được kiến thức đó. Trong quá trình dạy học, thầy cô phải "rảnh tay". Mà muốn "rảnh tay", thầy cô phải đặt câu hỏi, giao nhiệm vụ cho học sinh một cách rõ ràng, mạch lạc, trúng mục tiêu, có nội dung hoạt động tử tế. Đã đặt câu hỏi hay giao nhiệm vụ thì phải yêu cầu học sinh nói, viết, làm ra sản phẩm học tập nào đó. Khi học sinh làm thì thầy cô "rảnh tay", có thể quan sát các em, từ đó có nhận xét giúp các em cảm thấy được khuyến khích, nhận ra điểm mạnh, hạn chế để cố gắng. Đó chính là nhận xét trong quá trình dạy học. Tất nhiên, để "rảnh tay" khi dạy, thầy cô cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vất vả. Tuy nhiên, khi chuẩn bị bài cho lớp này, sang lớp sau dạy sẽ có kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Năm nay dạy bài này thì năm sau dạy lại bài đó chắc chắn hoàn thiện hơn nữa. Dần dần, việc chuẩn bị bài cũng sẽ đỡ vất vả hơn. Hiểu đúng và làm được như vậy, tôi tin thầy cô sẽ không còn cảm thấy khó khăn trong việc đánh giá, xếp loại học sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét