XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI “MÀ TRONG ĐÓ SỰ PHÁT TRIỂN LÀ THỰC SỰ VÌ CON NGƯỜI”
Mỗi dân tộc, quốc gia đều có cách lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình. Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bởi vì, đây “là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Sự đúng đắn của việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam xuất phát từ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, từ những yêu cầu của thực tiễn đất nước và xu hướng phát triển của thời đại:
Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội có mục tiêu cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện; là một chế độ xã hội mà con người được tự do, sống hòa bình và hữu ái giữa các cộng đồng, không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội thực sự vì con người. Là một xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết trong bài "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (ngày 16/5/2021): “… phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội…, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn…, phát triển bền vững, hài hòa để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai…”.
Rõ ràng, đây là những khát vọng, mong ước tốt đẹp không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân loại.
Thứ hai, Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, hy sinh chống lại sự cường quyền, áp bức của các thế lực ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đường lối xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghã xã hội” và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề độc lập cho dân tộc và cuộc sống tự do, hạnh phúc cho số đông nhân dân”. Thực tiễn Việt Nam, từ khi có Đảng Cộng sản, có Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhất là 35 năm đổi mới đã chứng minh điều này.
Thứ ba, hiện nay, chủ nghĩa tư bản nhất là ở một số nước tư bản phát triển đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học và công nghệ; có sự điều chỉnh nhất định về sở hữu, an sinh xã hội… làm cho diện mạo của chủ nghĩa tư bản khác nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết ngày 16/5/2021: “Chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”, do vậy các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt tiếp tục diễn ra. Chẳng hạn, khủng hoảng trong vấn đề lao động - việc làm, trong phân hoá giàu - nghèo, khủng hoảng trong việc giải quyết các tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay…
Chắc chắn đây không phải là chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam mong đợi, càng không phải là tương lai của nhân loại. Nhân dân Việt Nam cần một xã hội “mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người…”.
Thứ tư, thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức cao trong suốt những năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần so với những năm đầu đổi mới, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.
Thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Việt Nam đã tập trung hoàn thành xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Mặc dù còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, cơ sở dịch vụ y tế… nên chưa thể cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho người dân nhưng Việt Nam đã tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Nhân dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện chiến đấu chống dịch để bảo đảm quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo vệ của Nhân dân với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực, hiệu quả để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những người khó khăn nhất trong lúc dịch bệnh -điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã lựa chọn và xây dựng.
Những thành tựu kể trên đã chứng minh rằng, lựa chọn và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Có thể nói, “xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây”. Rõ ràng “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”[1]. Đây là minh chứng cho việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cũng như các quốc gia khác khi tiến hành xây dựng một chế độ xã hội mới, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là thời kỳ chuẩn bị mọi điều kiện vật chất và tinh thần để đi lên một chế độ xã hộiưu việt hơn, còn vô vàn khó khăn, gian khổ;hơn nữa, do điểm xuất phát và hoàn cảnh đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta có rất nhiều khó khăn, không tránh khỏi thiếu sót, hạn chế, do vậy, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và cần có một thời gian quá độ không ngắn, mới có thể đạt tới xã hội xã hội chủ nghĩa như mong muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét