Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Xử lý dứt điểm “điểm nghẽn” để đất nước phát triển

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 11/8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều phương diện. Phiên họp diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị.

Theo Tổng bí thư, trải qua hơn 75 năm với 15 nhiệm kỳ hoạt động, Chính phủ luôn thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong điều hành phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Nhìn một cách tổng thể, mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ đều đã để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Tổng bí thư ghi nhận.

Người đứng đầu Đảng nêu bối cảnh từ đầu năm đến nay, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát và có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.

Trong khi đó, kinh tế - xã hội nước ta tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020, vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng bí thư cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 cần nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.

Tổng bí thư lưu ý Chính phủ tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những "điểm nghẽn" để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Song song với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm 4 vấn đề lớn về: Phát triển kinh tế; phát triển văn hoá, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ.

Dành một lượng lớn thời gian phát biểu để phân tích, làm rõ 4 vấn đề lớn này, Tổng bí thư trước hết nhắc đến nội dung phát triển kinh tế.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng bí thư cho rằng các thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Về phát triển văn hoá, xã hội, Tổng bí thư khẳng định: Không chờ đến khi kinh tế phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Theo ông, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội đều phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Tổng bí thư nhắc nhở phải luôn luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét