“Quân đội đã sẵn sàng triển khai lực
lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng, theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh. Bộ Quốc
phòng sẽ làm việc trực tiếp với từng địa phương để tính toán phương án cung ứng
hàng hóa cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh”, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng
Quốc phòng, khẳng định với Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ tối
19/8.
Một ngày sau, lãnh đạo Cục Vận tải (Tổng
cục Hậu cần) cho biết đến ngày 23/8, các chuyến bay dân dụng sẽ đưa 1.000 quân
nhân từ Hà Nội vào TP.HCM. Số quân nhân này là y bác sĩ, giảng viên và học viên
của Học viện Quân y.
“Với diễn biến dịch phức tạp ở
TP.HCM, việc huy động công an, quân đội có ý nghĩa tăng cường lực lượng có tổ
chức chặt chẽ và có tính kỷ luật rất cao”, ông Lê Việt Trường (nguyên Phó chủ
nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) chia sẻ với Zing.
TĂNG TÍNH KỶ LUẬT
Đánh giá cao sự vào cuộc của lực lượng
như công an, quân đội, ông Lê Việt Trường cho rằng việc kiểm soát dịch tại
TP.HCM có ý nghĩa, tác động với cả nước chứ không riêng địa phương này.
"Chống dịch còn khó hơn chống giặc,
vì kẻ thù xâm lược chúng ta có thể nhìn nhận rõ, nhưng dịch là kẻ thù không thể
nhìn thấy", ông Trường nói.
Đặc biệt, để việc thực hiện các giải
pháp chống dịch đạt hiệu quả cao, ông cho rằng cần sự vào cuộc của lực lượng có
ý thức tổ chức kỷ luật cao như công an, quân đội. Các lực lượng này đã quen rèn
luyện, làm việc trong môi trường công tác gian khổ, nên với nhiệm vụ chống dịch,
họ có thể nhanh chóng tiếp cận và bắt nhịp.
Bên cạnh đó, hoạt động của như công
an, quân đội gửi đi một thông điệp rằng “với sự tham gia của lực lượng vũ
trang, tính kỷ luật, nghiêm khắc trong chống dịch được nâng cao, mọi người dân
sẽ tuân thủ và chấp hành tốt hơn”.
Theo ông Trường, khi được điều động
vào TP.HCM chống dịch, lực lượng y tế của công an nhân dân và lực lượng quân y
của quân đội có thể làm nhiệm vụ tham gia trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, cấp cứu
và điều trị bệnh nhân.
Còn các lực lượng khác có thể tham
gia bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người
dân mà không để xảy ra tình trạng lộn xộn.
Ông cũng đánh giá cao vai trò của lực
lượng quân đội tại TP.HCM khi vừa qua đã đảm nhiệm công việc lo an táng cho nạn
nhân xấu số tử vong do Covid-19, để sau đó bàn giao tro cốt lại cho gia đình.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc
phòng - An ninh đồng thời lưu ý dù công an, quân đội không thiếu lực lượng,
song việc điều động cần tính toán hợp lý vì chúng ta đang hạn chế tiếp xúc. Huy
động nhiều quân có thể gây chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong xử lý công việc, lực lượng này
cũng cần mềm dẻo, linh hoạt, tránh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ quân - dân.
Khẳng định năm nào đất nước cũng cần
sự góp sức của lực lượng vũ trang, song theo ông Trường, đây là lần đầu tiên
chúng ta huy động công an, quân đội vào một trận chiến rất đặc biệt. Từ câu
chuyện chống dịch lần này ở TP.HCM, Quốc hội cần sớm nâng cấp Pháp lệnh Tình trạng
khẩn cấp lên thành luật để khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, địa phương có cơ sở
pháp lý vững chắc để áp dụng các biện pháp cần thiết mà không phải do dự.
CẦN LỰC LƯỢNG KIỂM SOÁT VIỆC GIÃN
CÁCH
Sau 4 lần giãn cách xã hội nhưng tình
hình dịch tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, PGS.TS Nguyễn
Viết Nhung (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương) nhấn mạnh lần này việc giãn
cách phải thực chất và phải có lực lượng kiểm soát, đó có thể là lực lượng công
an hoặc quân đội.
Ngoài ra, thắt chặt giãn cách phải đi
kèm làm tốt chính sách an sinh, lo cho người dân có cái ăn.
“Dù ăn cháo cũng phải lo cho dân có
ăn”, ông Nhung nhấn mạnh và cho rằng biện pháp quyết liệt nhưng phải có phương
pháp để người dân làm theo và thực hiện hiệu quả.
Trước thực tế số ca mắc Covid-19 vẫn
tăng cao những ngày qua, trong đó phần lớn là số ca nhiễm cộng đồng, ông cho rằng
có một thực tế là dịch chưa được kiểm soát và các biện pháp can thiệp chưa mang
lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, việc giãn cách xã hội chưa thực sự chặt chẽ, thể
hiện qua việc lượng người qua lại đông đúc trên đường TP.HCM gần đây.
Với những khu vực dịch diễn biến phức
tạp và có số ca mắc tăng cao như TP.HCM, Bình Dương hay một số tỉnh phía Nam,
ông Nhung cho rằng có thể nhìn nhận ở hai góc độ.
Thứ nhất, nếu số ca nhiễm tăng do có
chiến lược mở rộng xét nghiệm để phát hiện ra F0, bóc tách F0 khỏi cộng đồng
thì đó là tín hiệu tốt, cho thấy chiến lược đúng hướng.
Nhưng ở góc độ thứ hai, nếu bóc tách
mãi mà số ca nhiễm không giảm, không lên đến đỉnh thì lại cho thấy có vấn đề,
đó chính là tình trạng lây nhiễm mới, lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
"Bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng
không có nghĩa là đem người ta đến chỗ này, chỗ khác, mà cách ly ngay tại nhà
cũng là bóc tách", PGS Nguyễn Viết Nhung phân tích.
TP.HCM thực hiện điều này nhưng lại
làm một cách bắt buộc khi không còn cách nào khác, mất đi tính chủ động nên hiệu
quả có thể không được như mong muốn.
Khi số ca nhiễm tăng nhanh, vị chuyên
gia một lần nữa nhấn mạnh giãn cách phải thực sự nghiêm ngặt, chặt chẽ theo
tinh thần “người cách ly với người”, “nhà cách ly với nhà”. Thậm chí, những người
trong cùng gia đình cũng đảm bảo giãn cách với nhau.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung tái khẳng định
ngoài vaccine và thuốc đặc trị, không có biện pháp nào chống dịch hiệu quả bằng
giãn cách để không lây nhiễm từ người sang người.
Bên cạnh những lý do khách quan, vị
chuyên gia nhấn mạnh ý thức chủ quan của người dân rất quan trọng. Nếu người
dân vẫn tiếp tục đổ ra đường, vẫn giao tiếp thì biện pháp giãn cách cũng không
có hiệu quả.
“Đầu tư để hỗ trợ, giúp người dân yên
tâm giãn cách, góp phần chống dịch là đầu tư cần thiết, sau đó kinh tế sẽ phát
triển trở lại. Nếu hà tiện trong việc này thì việc chống dịch không thể hiệu quả”,
ông Nhung nêu quan điểm, đồng thời cho rằng chính sách hỗ trợ này phải do Chính
phủ cùng TP.HCM thực hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét