Nước Mỹ bước vào năm 2021 với thay đổi quan trọng trên chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng sau khi ông Joe Biden vượt qua ông Donald Trump để trở thành tổng thống thứ 46 của nước này.
Chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2021 ở tuổi 79, ông Biden đối mặt với vô vàn thách thức trên lộ trình đưa người dân thoát khỏi các cuộc khủng hoảng, đồng thời giúp nước Mỹ lấy lại vị thế và ảnh hưởng của một siêu cường.
Khi những náo động của cuộc bầu cử 2020 với những lá phiếu gây tranh cãi và cuộc bạo loạn gây chấn động dư luận ở Đồi Capitol dần lắng xuống, có lẽ rất nhiều cử tri Mỹ phải thốt lên với thái độ cảm thông và e ngại: Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đúng vào thời điểm đầy tai hại của nước Mỹ. Đó là khi họ cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng: Đại dịch Covid-19, kinh tế và sắc tộc, là khi mà những chia rẽ cả trong đời sống chính trị và xã hội Mỹ đang trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Cũng vì thế, quan tâm cháy bỏng của đa số cử tri là bằng cách nào một chính trị gia ngấp nghé tuổi bát thập có thể tìm ra liều thuốc khẩn cấp để giải cứu cường quốc số một thế giới.
Đáp lại băn khoăn đó, ngay từ những ngày đầu vào nhiệm sở, ông Biden đã thúc đẩy hàng loạt chương trình nghị sự đối nội, trong đó ưu tiên hàng đầu là kiểm soát đại dịch Covid-19. Để làm được điều này, chính quyền do ông lãnh đạo đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp để khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Chiến dịch này đã vươn tới những cột mốc ngoài mong đợi khi đến ngày 23-12 vừa qua, hơn 72,7% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và gần 62% dân số đã tiêm đầy đủ.
Dù đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch với hơn 52,1 triệu ca mắc và 815.000 ca tử vong (tính đến ngày 26-12-2021), dù sự xuất hiện của các biến thể như Delta và Omicron vẫn đang thắp lên những đống lửa đầy hiểm họa ở mọi ngõ ngách của xứ cờ hoa, nỗ lực của ông Biden trên vai trò người cầm cương quyền lực đất nước đã phần nào giúp người dân Mỹ trở lại với cuộc sống bình thường sau một thời gian dài chìm vào trạng thái “hôn mê sâu” vì đại dịch.
Việc Quốc hội Mỹ thông qua các gói kích thích kinh tế khổng lồ bất chấp tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã khiến nền kinh tế Mỹ như chiếc lò xo bị dồn nén bất ngờ bật trở lại mạnh mẽ. Từ mức đáy của một cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm 2020, nền kinh tế Mỹ trong quý I-2021 đã bứt tốc và tăng trưởng 6,4%-mức tăng cao nhất trong quý đầu tiên của năm kể từ năm 1984; tăng trưởng GDP trong quý II-2021 cũng cao nhất so với cùng kỳ của 70 năm qua; thị trường chứng khoán khởi sắc trông thấy; chi tiêu tiêu dùng tăng trên mức trước đại dịch. Cùng với đó, tiếng kêu than của đội quân thất nghiệp đông đảo đã tạm lắng khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm kỷ lục xuống mức 4,2%, và như Tổng thống Joe Biden đã tự hào nhấn mạnh trong một bài phát biểu, ví tiền của mỗi người dân Mỹ đã dầy hơn so với trước khi ông lên nắm quyền.
Năm qua, Mỹ cũng trải qua một cuộc “đập đi xây lại” trong quan hệ đối ngoại, khởi nguồn từ việc Tổng thống Joe Biden từ bỏ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" và thay đổi, thậm chí đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Dưới sự chèo lái của chính quyền mới, Mỹ đã khôi phục tư cách thành viên trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran... Với mục tiêu cốt lõi là tận dụng các quan hệ truyền thống để thúc đẩy lợi ích và sức mạnh quốc gia, khôi phục ảnh hưởng và vị thế quốc tế, Washington cũng thể hiện động thái “làm lành” trong quan hệ với các đồng minh ở châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hàn Quốc, Nhật Bản... vốn bị xem nhẹ dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump.
Thế nhưng, có một quan điểm phổ biến trong nền chính trị Mỹ những năm gần đây vẫn đang diễn ra. Đó là dù Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ vẫn luôn như hai vòng xoáy không đồng tâm trên chính trường Mỹ, không thể tìm tiếng nói chung với nhau về bất cứ điều gì, họ lại thống nhất cao về sự cần thiết phải đưa ra một chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Điều này được thể hiện qua việc Washington tiếp tục duy trì mức thuế lên tới 25%, đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa hàng tá công ty và các viện nghiên cứu của Trung Quốc vào “danh sách đen” thương mại, đồng thời ra sức kiềm chế Bắc Kinh trong các lĩnh vực công nghệ cao. Những động thái ấy dường như xuất phát từ nhận thức rằng giờ đây, cùng với Nga, Trung Quốc vẫn là đối thủ tiềm tàng thách thức địa vị “ông lớn duy nhất” trên thế giới của Mỹ.
Nửa cuối năm 2021, nước Mỹ tiếp tục hứng chịu cơn đau đầu bởi làn sóng người nhập cư, lạm phát gia tăng, cùng hồ sơ đối ngoại về các vấn đề Iran, Triều Tiên... vẫn đầy khoảng trắng. Đó là chưa kể cuộc rút lui hỗn loạn của các binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền tại quốc gia Nam Á này hồi tháng 8 vừa qua cũng để lại những câu hỏi nhức nhối. Tất cả đã khiến mức tín nhiệm dành cho Tổng thống Joe Biden đang trên đà đi xuống, đe dọa tới tương lai chính trị và các chính sách trong phần còn lại nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng
Những áp lực mà đương kim Tổng thống Joe Biden phải đối mặt trong năm 2021 chính là áp lực của một nước Mỹ với tham vọng trở thành “người cầm lái” trên vũ đài quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét