Trong năm 2021, những phẩm chất hay được nhắc đến nhất trong đời sống xã hội là “dũng cảm”, “dấn thân”, "trách nhiệm”... Đó là phẩm chất của những con người ngày đêm lăn lộn trong các vùng tâm dịch Covid-19, hết lòng vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Họ là các y sĩ, bác sĩ; là bộ đội, công an; và cả lực lượng phóng viên, nhà báo. Bởi thế, trong bức thư động viên lực lượng ở tuyến đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động ghi nhận: “Những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài”.
“Dũng cảm”, “dấn thân”, “trách nhiệm” từ lâu nay vừa là yêu cầu vừa là mục tiêu phấn đấu của những người làm báo cách mạng Việt Nam, nhằm thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ” cách đây 74 năm: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.
Những phẩm chất, bản lĩnh ấy phải thường xuyên được bồi đắp, trau dồi để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả “phò chính trừ tà”. Hiểu cặn kẽ hơn, đó chính là sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống của nhân dân; phát hiện, biểu dương, nhân rộng gương người tốt-việc tốt; vạch trần, phê phán, đấu tranh với những thói hư, tật xấu làm phương hại đến lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân.Có thể khẳng định, hơn 7 thập kỷ kể từ sau bức thư của Bác, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã bước sang một kỷ nguyên mới với những thay đổi mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, báo chí phải cạnh tranh quyết liệt với những thông tin từ mạng xã hội. Bởi thế, muốn giữ vai trò là nguồn thông tin chính thống, là dòng chảy chủ đạo trong cuộc cạnh tranh mới, đòi hỏi phương thức, quy trình sản xuất báo chí phải thay đổi. Duy chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, đó là bản chất, bản lĩnh của những người làm báo cách mạng.
Hiện cả nước có gần 900 cơ quan với các loại hình báo chí; có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Có thể thấy, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa, xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân.
Thực tiễn đời sống báo chí những năm qua đã ghi nhận sự dấn thân của nhiều phóng viên điều tra thâm nhập thực tế, vạch trần những khuất tất, sai trái của nhiều tổ chức, cá nhân, làm trong sạch bộ máy nhà nước, trong sạch xã hội, đồng thời mang lại quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Nhiều phóng viên không ngại hiểm nguy, có mặt tại các vùng thiên tai, dịch bệnh đưa tin về hoạt động cứu hộ-cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần ổn định đời sống của nhân dân... Có nhiều nhà báo, phóng viên vượt qua những cám dỗ tư lợi, quyết không "bẻ cong ngòi bút", giữ vững phẩm giá, nhân cách, danh dự và lòng tự trọng của người làm báo, để bảo vệ sự thật, cất lên tiếng nói trung thực, dũng cảm...
Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình tác nghiệp, còn có những phóng viên, nhà báo hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho các cá nhân, tổ chức; cá biệt có trường hợp còn vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, danh dự, uy tín của nghề báo.
Bởi vậy, để mỗi nhà báo, phóng viên là một chiến sĩ thực thụ trong sự nghiệp “phò chính trừ tà” thì cùng với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo và xử lý của cơ quan quản lý báo chí, của các cấp hội nhà báo và người đứng đầu các cơ quan báo chí, đòi hỏi mỗi phóng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về cả phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn để luôn giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, tận tụy phụng sự nhân dân, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét