Lật tẩy chiêu trò xuyên tạc, phá hoại công cuộc phòng, chống dịch COVID-19
- Trong những ngày này, trên các phương tiện thông tin điện tử, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường chống phá quyết liệt công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta. Chúng thường xuyên đăng tải những thông tin sai sự thật, cố tình “cắt xén” thông tin chính thống nhằm xuyên tạc, “bẻ lái” dư luận, những hành vi đó không chỉ gây hoang mang, kích động trong Nhân dân, mà còn gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
- Cuối tháng 8/2021, tổ chức khủng bố Việt Tân công bố kết quả khảo sát nhu cầu của người dân Sài Gòn trên Facebook, chúng cho rằng nhu cầu được nhiều người quan tâm nhất là cần Nhà nước giúp cho dân về quê an toàn, thứ hai là tài chính và lương thực vì hàng triệu người lâm vào tình cảnh thất nghiệp túng thiếu, đói ăn…
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, di tản không phải là cách phòng, chống dịch an toàn: “Đây là cách phòng chống bệnh phản khoa học, thậm chí còn khiến dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát hơn và ngành y tế cũng vì thế mà áp lực hơn”. Thực tế đã phát hiện nhiều ca dương tính liên quan những người di chuyển về quê “tránh dịch” trong những ngày đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát, có những người đã mắc COVID-19 trên đường đi và lây nhiễm lẫn nhau, sau đó lây cho người thân ở quê. Dù mong muốn được quay về quê là chính đáng, nhưng sẽ vô tình gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Thông điệp của Chính phủ trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp: “Ai ở đâu, ở yên đó” chính là thông điệp mang tính khoa học, phù hợp nhất để góp phần phòng, chống dịch bệnh! Rõ ràng nội dung khảo sát của Việt Tân là hành động phá hoại xấu xa, nhằm kích động Nhân dân.
Ngồi cào phím, chống phá điên cuồng, Việt Tân và các thế lực thù địch, phản động cố tình như không thấy Chính phủ Việt Nam đã triển khai gói an sinh xã hội lần thứ nhất có quy mô 62.000 tỷ đồng, lần thứ hai 26.000 tỷ đồng, quyết định xuất cấp gạo cho 27 tỉnh, thành phố với 134 nghìn tấn… là những giải pháp cấp bách, kịp thời, nhằm giảm tối đa tác động của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó sự ủng hộ của toàn xã hội, các mạnh thường quân, nhiều tổ chức thiện nguyện, cá nhân hảo tâm cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền giúp đỡ cho bà con nghèo, người khó khăn về kinh tế không chỉ là “miếng cơm manh áo” mà còn làm cho người dân có niềm tin để ở yên, không di chuyển nếu không cần thiết. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong cuộc họp sáng 29/8: “Để đảm bảo giãn cách thành công, công tác chăm lo an sinh, nhất là việc không để người dân thiếu ăn, là yếu tố đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên”.
Nguy hiểm và trơ trẽn hơn, Đài Á châu tự do (RFA), Hội Anh em dân chủ, Việt Tân đã cắt ghép các câu nói của lãnh đạo cấp cao Nhà nước ta ở những thời điểm khác nhau để xuyên tạc trong nội bộ ta có nhiều phe phái, mỗi người một kiểu, mất phương hướng trong công tác phòng, chống dịch, dân biết nghe ai bây giờ?; hay ở phương diện khác chúng cắt xén hai phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở hai thời điểm khác nhau để bôi nhọ “miệng quan trôn trẻ”, nói năng tùy tiện, tùy hứng, thiếu suy nghĩ chín chắn. - Thực chất những chiêu trò nêu trên không chỉ nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín của lãnh đạo, mà qua đó âm mưu sâu xa, nham hiểm của chúng là từ chỗ làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với các lãnh đạo dẫn đến nghi ngờ, dao động rồi mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trước những luận điệu đó, chúng ta cần bình tĩnh nhận diện đúng sự thật. Cũng tại cuộc họp sáng ngày 29/8, trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, chúng ta phải xác định tính chất phức tạp của dịch bệnh, mục tiêu là kiềm chế, kiểm soát dịch, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên; bên cạnh chúng ta vẫn đang ra sức thi đua hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!”. Không hề có xung đột hay mâu thuẫn trong các phát ngôn của lãnh đạo như một số thành phần thù địch, cơ hội xuyên tạc. Việc điều chỉnh kịp thời các giải pháp mới phù hợp với đặc điểm tình hình từng thời điểm là hoàn toàn cần thiết vì “sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, là trước hết”.
Theo điều tra dư luận xã hội về tình hình tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong 6 tháng đầu năm 2021 do Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện tháng 7/2021, kết quả: 80% người được hỏi rất tin rằng Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch COVID-19; 77% người được hỏi rất tin tưởng vào chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - Tiến sĩ Kidong Park cho rằng, nhìn lại những gì Việt Nam đã và đang làm, WHO nhận thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc quản lý các đợt dịch bộc phát hiện nay và hệ thống ứng phó khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng rất mạnh mẽ.
Bóp méo sự thật, bôi nhọ lãnh đạo hòng chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc… là thủ đoạn mà các thế lực thù địch, thành phần bất mãn đã, đang và sẽ còn sử dụng lâu dài. Những hành động đó luôn đi ngược lại với lợi ích của quốc gia - dân tộc và các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Bằng cái nhìn khách quan và bằng tiếng nói của lương tri, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét