Để thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", các thế lực thù địch trong và ngoài nước liên kết với nhau đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức; trong đó, có việc sử dụng in-tơ-nét. Tác chiến mạng đã và đang trở thành một trong những biện pháp chủ yếu, được các thế lực thù địch sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, chúng tung tin thất thiệt, nói xấu lãnh tụ; kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa Đảng với nhân dân,... làm cho một bộ phận quần chúng, nhất là lớp trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số hoang mang, dao động; tạo sự hoài nghi, bất mãn với chế độ và khiến cho bạn bè quốc tế hiểu sai sự thật. Về kinh tế, chúng tung tin gây rối loạn thị trường, dẫn đến đầu cơ, tích trữ, tạo ra khan hiếm hàng hoá. Về quốc phòng - an ninh, chúng tập hợp lực lượng chống đối, tuyên truyền tạo dựng thanh thế, uy tín cho những tên cầm đầu, tổ chức chống đối, phản động. Về kỹ thuật, chúng tìm cách thâm nhập vào các mạng nội bộ, nhất là các mạng có độ mật cao để ăn cắp thông tin, làm rối loạn hoặc đánh sập trang mạng, phá vỡ hệ thống chỉ huy, điều hành,... Vì thế, để phòng chống và hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả của chiến tranh mạng, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Quản lý chặt chẽ in-tơ-nét, nhất là các trang mạng xã hội. Phải khẳng định rằng, phát triển in-tơ-nét đã, đang và sẽ mang lại rất nhiều tiện ích cho đời sống con người, song mặt trái của nó cũng rất phức tạp, tác động sâu sắc đến đời sống, kinh tế, chính trị, tinh thần của cả cộng đồng. Nếu không quản lý chặt, chế tài xử lý không đủ mạnh, sẽ tạo ra những kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, thao túng và điều khiển cư dân mạng, nhất là lớp trẻ có trình độ để phục vụ cho mưu đồ đen tối của chúng. Thực tiễn đã chứng minh, sự xuất hiện một cộng đồng mạng bất ổn trong xã hội sẽ kìm hãm sự phát triển, đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước.
Quản lý chặt chẽ in-tơ-nét, hạn chế các nội dung xấu, độc trên các trang mạng là vấn đề cấp bách hiện nay. Nhận rõ điều đó, ngày 15-7-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, việc quản lý blog và mạng xã hội là rất khó khăn, phức tạp. Để Nghị định 72 đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải có sự quản lý đồng bộ của các ngành, các cấp với giải pháp hợp lý vừa bảo đảm phát triển, vừa nắm quyền kiểm soát, quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Thời gian tới, để các hoạt động này đi vào nền nếp, đúng pháp luật, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành quy chế hoạt động in-tơ-nét, với những tiêu chí cụ thể, phù hợp. Trước mắt, các cấp, các ngành và các địa phương cần thực hiện tốt Đề án "Nâng cao năng lực quản lý thông tin trên in-tơ-nét". Thực hiện tốt các nghị định, hướng dẫn quy định chi tiết đối với việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, thông tin điện tử, mạng xã hội trực tuyến, trò chơi điện tử; góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Cơ quan chức năng các cấp còn phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin, như: thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực in-tơ-nét và quản lý hạ tầng thông tin. Thực hiện quản lý theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ và dịch vụ Viễn thông - Công nghệ thông tin - Truyền thông. Công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước cần coi trọng tính hợp lý, trên cơ sở phân biệt rõ chức năng của từng tổ chức; thiết lập hệ thống quản lý mạnh, theo nguyên tắc "Năng lực quản lý đón đầu yêu cầu phát triển"; xây dựng chính sách, luật pháp bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có chức năng thực thi pháp luật.
2. Tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác trên mạng và trên các phương tiện truyền thông (báo, đài, truyền hình); tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên. Những năm qua, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng các trang mạng dồn dập tung tin thất thiệt, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là thời điểm trước, trong và sau Đại hội XI của Đảng. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt: chỉ cần một số chứng cứ thật, trộn lẫn thông tin giả trở thành "vũ khí" kích động, nói xấu, tạo sự hiểu lầm, nghi ngờ, hoang mang, dao động trong đảng viên, cán bộ và nhân dân. Thậm chí, chúng sử dụng tin tặc xâm nhập, tấn công các trang web của cơ quan Chính phủ để đăng tải các nội dung không lành mạnh; sử dụng các trang mạng để vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền,... Vì vậy, tổ chức hợp lý lực lượng đấu tranh phản bác những hành động tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN là vấn đề bức thiết hiện nay.
Để thực hiện tốt vấn đề này, chúng ta cần tổ chức lực lượng đấu tranh mạng hùng hậu (gồm: các chính trị gia, học giả, nhà khoa học và các chuyên gia), có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận và kiến thức toàn diện trên các lĩnh vực. Đây cũng là lực lượng nòng cốt cho toàn dân chủ động đấu tranh phản bác, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của đất nước và đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, vạch trần bản chất, mục đích của các thế lực thù địch để nhân dân nhận thức đầy đủ, cảnh giác và tham gia phòng, chống chiến lược "Diễn biến hòa bình" có hiệu quả. Quá trình đấu tranh, phản bác phải lập luận khoa học, có lý, có tình, tính thuyết phục cao, tránh "đao to, búa lớn", một chiều, áp đặt. Đồng thời cần vận dụng linh hoạt nhiều hình thức đấu tranh, cả trực tiếp, gián tiếp; chủ động phá bỏ sự liên kết, móc nối của các phần tử, các thế lực chống phá. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, động viên lực lượng viết bài đấu tranh, phản bác các thế lực thù địch trên mạng và thông tin đại chúng khác.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tầng lớp nhân dân (trong đó, có cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên) nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Vận động họ không truy cập, khai thác, truyền bá thông tin xấu, độc, sai sự thật; xây dựng ý thức, đề cao cảnh giác, nắm chắc các thủ đoạn tấn công mạng của kẻ địch để bảo mật thông tin, chủ động bảo vệ mình.
3. Kiện toàn tổ chức lực lượng mạng gồm ba bộ phận: chính trị, kỹ thuật, tác chiến nhằm mục tiêu bảo vệ an toàn mạng và tiến công mạng khi cần thiết. Việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trên thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ bị tấn công, xâm nhập và sự cố thông tin, an toàn mạng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, công nghệ thông tin đang là lĩnh vực được ứng dụng phổ biến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cần phải chủ động tổ chức lực lượng tác chiến mạng chuyên trách đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền mạng quốc gia.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Quân đội có thể thành lập lực lượng tác chiến mạng (do Cục Công nghệ thông tin quản lý, hoặc thành lập binh chủng mạng, trực thuộc Bộ Quốc phòng) có nhiệm vụ: thiết lập hệ thống phòng thủ vững chắc trước sự xâm nhập, tấn công từ bất kỳ lực lượng nào ngay từ thời bình; đồng thời, chủ động tấn công, phản công đối phương, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc tấn công mạng, kể cả trong chiến tranh xâm lược. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Quân đội cần tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng và tác chiến mạng đủ về số lượng, có chất lượng cao, bảo đảm từng bước thiết kế, làm chủ, sản xuất các trang thiết bị đầu cuối, chuyên dụng công nghệ thông tin, hạn chế sự phụ thuộc tối thiểu vào nước ngoài. Đầu tư mua sắm các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đi trước đón đầu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược an ninh mạng quốc gia nói chung và Quân đội nói riêng với hệ thống giải pháp mang tính lâu dài, toàn diện, tăng cường khả năng phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin. Kịp thời ngăn chặn, khắc phục các sự cố an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng tác chiến mạng của Quân đội, Công an với các thành viên an ninh mạng của các trung tâm an ninh mạng dân sự. Sử dụng lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách, kiêm nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp tác chiến mạng.
Chiến tranh mạng là loại hình mới, sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều kiểu loại, không phân định ranh giới (địa lý hành chính, thời gian, quy mô), nhưng hậu quả để lại khó lường. Nó có thể là nguyên nhân khơi mào cho một cuộc chiến tranh bằng vũ lực. Vì thế, cần nêu cao tinh thần cảnh giác thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống có hiệu quả chiến tranh mạng của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét