Đạo đức
công dân là những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh nhận
thức, hành vi của công dân trong quan hệ với Nhà nước, nó được thực hiện bởi
niềm tin cá nhân, bởi truyền thống, sức mạnh của dư luận xã hội và pháp luật. Hồ
Chí Minh coi giáo dục đạo đức công dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để ngăn
chặn, đẩy lùi tham nhũng. Bởi vì, đạo đức công dân chính là nền tảng tinh thần
định hướng, dẫn dắt công dân hướng tới những giá trị dân chủ mới, đề kháng với
những biểu hiện phi dân chủ, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong
bộ máy nhà nước, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng. Nó được thể hiện ở hai khía
cạnh: tạo ra môi trường chính trị - xã hội trong sạch, lành mạnh và tạo ra sức
đề kháng từ bên trong để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Xét ở
khía cạnh thứ nhất, bản chất của đạo đức công dân chính là
việc đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với nhà nước. Với tư cách là
người chủ quyền lực, khi đạo đức công dân được nâng cao họ sẽ sáng suốt lựa
chọn những đại biểu ưu tú để “ủy thác quyền lực”, tránh hiện tượng trao nhầm
quyền lực dẫn đến các hành vi tham nhũng và các căn bệnh xấu xa, hư hỏng khác.
Đồng thời, nó tạo ra dư luận xã hội tích cực mà ở đó các hành vi tham nhũng bị
phát hiện, theo dõi, lên án và phê phán kích liệt vì tham nhũng là ăn cắp, là
“tội lỗi đê tiện nhất”. Hồ Chí Minh khẳng định: “...nhân dân lại có nhiệm vụ
giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của
Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”. Mặt
khác, trong xã hội dân chủ, chuẩn mực đạo đức công dân quan trọng nhất đó là
“tuân theo pháp luật nhà nước”, thể hiện ở tinh thần “thượng tôn pháp luật”,
không ai được phép đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật. Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị
nào, làm nghề nghiệp gì”. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy mọi
công dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng. Theo đó, kể từ nay, bất cứ
ai, dù giữ cương vị gì trong nhà nước, nếu phạm phải tham nhũng thì đều bị
nghiêm trị.
Xét ở
khía cạnh thứ hai, cán bộ, đảng viên của Đảng là người thực
hiện chức năng kép, vừa là người thừa hành quyền lực ủy thác của nhân dân vừa
là những “công dân đứng đắn”, “công dân tốt”, “công dân kiểu mẫu”. Theo Hồ Chí
Minh: sự tha hóa đạo đức của đối tượng này thể hiện rõ rằng họ “Chẳng những
không làm tròn nhiệm vụ của người cán bộ, mà còn không làm tròn bổn phận của
người công dân; đã đặt lợi ích riêng của cá nhân lên trên lợi ích chung của Nhà
nước”. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên toàn Đảng: “Trước mặt quần chúng,
không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng
chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải
làm mực thước cho người ta bắt chước”. Do đó, việc tu dưỡng đạo đức công dân,
biểu hiện cao nhất ở tuân thủ tính nghiêm minh của pháp luật chính là chất đề
kháng hữu hiệu giúp cán bộ, đảng viên “không muốn tham nhũng” và “không dám
tham nhũng”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao trách
nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, “đảng viên đi trước, làng nước
theo sau”. Mọi hành vi bất liêm sẽ dễ dàng bị phát hiện, bị tố giác nếu cán bộ,
đảng viên không đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của mình. Trách nhiệm
nêu gương của những “công dân kiểu mẫu” không chỉ thể hiện trong công tác mà
còn biểu hiện sinh động trong sinh hoạt hàng ngày ở gia đình và nơi cư trú. Dự
luận cũng đồng tình theo quan điểm: “Bộ mặt đạo đức thực sự của con người biểu
hiện trong cách sống ở gia đình. Người ích kỷ nhỏ nhen và độc đoán trong gia
đình không thể là một công dân chân chính”. Càng gần dân, cọ sát với dân càng
học hỏi được ở nhân dân nhiều điều hay, nhiều kiến thức của cuộc sống bổ ích và
chắc chắn sẽ càng vì dân, tránh xa các hành vi tham nhũng.
Sự
nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đạt được những thành tựu to lớn, “đất nước ta
chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy
nhiên, sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng đang phải đối mặt
với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng “suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức lối sống”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ” từ chỗ chỉ là “một bộ phận” đã lây lan sang “một bộ phận không
nhỏ” cán bộ, đảng viên; làm sói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng….
Thực
tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, “đã thi hành kỷ luật 2209 cán bộ, đảng
viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương
quản lý cả đương chức và nghỉ hưu”. Quyết tâm của Đảng ta trong đấu tranh
phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ trong lời phát biểu của Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương: “Chúng ta
rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật
đồng chí, đồng đội của mình, trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ
chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật
một vài người để cứu muôn người”.
Quan
điểm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng” được thể hiện rõ
trong phát biểu của người đứng đầu Đảng: “Tinh thần là phải tiếp tục làm, làm
quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn
yếu, những địa bàn trọng điểm. Toàn Đảng, toàn Dân quyết tâm. Không có chuyện
dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của
cách mạng, yêu cầu, tình cảm của Nhân dân, mong muốn của Đảng ta. Phải khẳng
định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác
báo cáo, xin tự thôi đi!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét