- Số người mắc Covid-19 mới trong 1 tuần gần đây tại TP Hà Nội bình quân đã tăng lên hơn 750 ca/ngày, trong khi 1 tuần trước khoảng 460 ca/ngày. Đỉnh điểm ngày 15-12, số ca mắc Covid-19 đã lên tới 1.357 ca. Dự báo thời gian tới, số ca bệnh có thể tiếp tục tăng.
- Phân tích về nguyên nhân số ca mắc Covid-19 ở TP Hà Nội tăng cao, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng khi Hà Nội thực hiện nới lỏng các hoạt động, người dân đi lại bình thường, thậm chí có nhiều hoạt động tập trung đông người thì nguy cơ tiếp xúc giữa người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có biểu hiện bệnh là khó tránh khỏi. Thời gian qua, ghi nhận nhiều trường hợp là F0 nhưng không có triệu chứng. Do đó, tại những nơi đông người, nơi công sở, nếu không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, khi đó sẽ xuất hiện nhiều ổ dịch mới.
- "Việc số ca mắc ở Hà Nội tăng cao trong thời điểm này là điều đương nhiên và có thể trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng. Khi F0 tăng cao sẽ kéo theo các ca nặng tăng lên, dễ dẫn đến quá tải tại các cơ sở điều trị, thậm chí tăng nguy cơ tử vong" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định.
- TP Hà Nội cần có biện pháp kiểm soát lại tình hình để hạn chế việc tăng F0 một cách thấp nhất. Trong bối cảnh này, cần hạn chế các hoạt động đông người, những cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê cần thực hiện nghiêm quy định giãn cách khi ăn, uống.
- Chuyên gia này cũng dẫn chứng Hà Nội đã phát hiện ổ dịch là những người dự đám cưới, tham gia tập trung đông người. Đặc biệt, người dân Hà Nội cũng như các địa phương đang có dịch cần cảnh giác trước những thời điểm nghỉ lễ dài ngày hay sự kiện tập trung đông người như: đón Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.
- Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước - Ảnh 1.
- Lực lượng chức năng lập hàng rào hạn chế người dân di chuyển vào phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG
- "Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tốt nhất không đi lại khi không thật cần thiết. Chúng ta xác định sống chung với Covid-19 không có nghĩa là cho phép chủ quan, lơ là phòng dịch" - PGS-TS Trần Đắc Phu nói.
- Để kiểm soát tình hình dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa yêu cầu từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Chẳng hạn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với số dân lên tới 90.000 người mà chỉ có 1 trạm y tế phường thì có thể phải tính toán sẵn sàng bố trí thêm nhiều trạm y tế lưu động khi cần thiết.
- Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo toàn diện việc tổ chức phương án bố trí trạm y tế lưu động, tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
- Trước mắt, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm vật tư, máy xét nghiệm, thiết bị y tế... để tăng cường cho bệnh viện cấp huyện nâng cao năng lực xét nghiệm, khắc phục việc trả mẫu chậm, quá tải; xây dựng cơ chế, chính sách trả thù lao cho y - bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y được huy động... Cơ chế, chính sách phải đi trước một bước, là vấn đề mấu chốt phải triển khai ngay.
- Ngọc Dung - Huy Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét