Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (TN, TG) theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng tự do TN, TG để xuyên tạc, chống phá
Việt Nam là quốc gia đa TN, TG với 95% dân số có đời sống TN, TG, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo. Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do TN, TG, bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.
Quyền tự do TN, TG ở Việt Nam được bảo đảm tốt trên thực tế. Hằng năm, có hơn 8.000 lễ hội TN, TG được tổ chức; các cuộc lễ tôn giáo lớn được tổ chức trọng thể theo nghi lễ tôn giáo với sự tham dự của hàng trăm nghìn lượt người. Hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước, bảo đảm nhu cầu TN, TG của người dân và tổ chức tôn giáo. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, ngoài ra còn có hàng nghìn điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung được chính quyền cấp đăng ký hoạt động. Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo. Tính đến nay, hầu hết cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng được thực hiện theo đúng pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh sách, đồ dùng việc đạo phục vụ hoạt động tôn giáo. Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng; quyền tự do TN, TG của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được bảo đảm tốt...
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta có nhiều kênh thông tin để khẳng định tình hình thực tế về TN, TG ở Việt Nam, như:
Tích cực tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác Hoa Kỳ, EU...; bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Năm 2020, vòng đối thoại lần thứ 24 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ đánh giá đây là cuộc đối thoại nhân quyền thành công nhất từ trước tới nay.
Chúng ta chủ động cung cấp thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do TN, TG ở Việt Nam cho đoàn nghị sĩ, quan chức chính phủ các nước vào Việt Nam làm việc, đại sứ quán các nước tại Hà Nội; thành lập các đoàn công tác tới Hoa Kỳ và một số nước phương Tây để trực tiếp đối thoại, trao đổi về vấn đề tôn giáo; mở rộng quan hệ hợp tác, đối thoại với các nước ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực TN, TG; tăng cường công tác tuyên truyền, đối ngoại về chủ trương, chính sách, thành tựu về TN, TG, đồng thời phản bác những thông tin sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an triển khai các mặt công tác, đấu tranh với việc Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) kiến nghị đưa Việt Nam trở lại “Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC). Do vậy, năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đưa Việt Nam vào CPC và “Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt-SWL”.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo để họ có đủ khả năng phân tích thông tin, chủ động phản bác những thông tin xấu độc nhằm xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động đối thoại nhân quyền, ngoại giao nhân dân, qua đó có những đánh giá trung thực về tình hình TN, TG ở Việt Nam; giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, không để các đối tượng xấu lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật về TN, TG và tình hình tôn giáo ở Việt Nam... Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm tốt quyền tự do TN, TG theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng tự do TN, TG để xuyên tạc, chống phá.
Thời gian tới, để tiếp tục bảo đảm tốt quyền tự do TN, TG, đoàn kết tôn giáo, cần tập trung vào: Cần tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về TN, TG; đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, bảo đảm quyền tự do TN, TG của công dân; giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động TN, TG, không để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, vu cáo; kịp thời ngăn chặn các hiện tượng TN, TG mới cực đoan, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi lợi dụng tự do TN, TG để xuyên tạc, chống phá.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực, chủ động thông tin về tình hình tôn giáo tại Việt Nam để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ, đồng thời phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại tôn giáo; tiếp tục hỗ trợ hoạt động TN, TG của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về TN, TG; định hướng các hoạt động tôn giáo theo đúng thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và quy định của pháp luật...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét