Kể từ ngày thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt
Nam đã mang nhiều tên gọi khác nhau, như: Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
(tháng 12/1944); Việt Nam giải phóng quân (tháng 4/1945); Vệ quốc Đoàn (tháng
9/1945); Quân đội Quốc gia Việt Nam (tháng 5/1946); Quân đội nhân dân Việt Nam
(tháng 2/1951). Mỗi tên gọi thể hiện nhiệm vụ chính trị của một giai đoạn lịch
sử mà quân đội ta đã phấn đấu để thực hiện. Là quân đội chủ lực, trưởng thành từ
đội du kích các địa phương lớn mạnh trở thành giải phóng quân; do Trung ương Đảng
trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy thống nhất; là quân đội chính quy của một nhà nước,
của một quốc gia độc lập có chủ quyền, bảo vệ vững chắc chính quyền, bảo vệ
tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ nền độc lập thống nhất
và bản sắc văn hoá dân tộc. Đó là quân đội của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu.
Mặc dù mang những tên gọi khác nhau do tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong mỗi
thời kỳ phát triển lịch sử, quân đội ta vẫn là quân đội nhân dân, thực hiện chức
năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Nguyên tắc xây
dựng quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được giữ vững, bởi vì:
- Một là, “Quân sự phục tùng chính trị”, “quân sự
mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng, lại có hại”. Sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sự trưởng thành và chiến
thắng của quân đội nhân dân. Có sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta luôn luôn lấy
việc xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp,
thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác Đảng - công tác chính trị. Khi có
chính quyền nhà nước, trở thành một bộ phận của Nhà nước, quân đội ta tuân thủ
Hiến pháp và pháp luật. Thực tiễn lịch sử cho thấy, cơ chế quản lý của Nhà nước
đối với quốc phòng không làm suy yếu sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp, về mọi mặt
của Đảng đối với quân đội; vì quân đội là một tổ chức quân sự, khác với các tổ
chức khác trong bộ máy nhà nước… Đảng trực tiếp lãnh đạo nhà nước đồng thời trực
tiếp lãnh đạo quân đội.
- Hai là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nguyên tắc
tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam: “Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”,
“nếu không có tổ chức thì không phải là một đội quân cách mạng, không thể đánh
thắng được kẻ thù, kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã”. Người
chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan
hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Vận dụng sáng tạo
nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vào xây dựng quân đội cách mạng, Người
nêu rõ có tổ chức mạnh mới có con người mạnh. Con người mạnh làm cho tổ chức mạnh,
Đảng bộ trong quân đội làm nòng cốt và hạt nhân lãnh đạo, vừa có hệ thống lãnh
đạo, vừa có hệ thống chỉ huy, xác định rõ lãnh đạo là tập thể, chỉ huy là trách
nhiệm cá nhân. Quân đội phải có kỷ luật sắt “quân lệnh như sơn”, xây dựng quân
đội phải đi đôi với thực hiện dân chủ, phê bình, tự phê bình từ dưới lên, chống
quan liêu, quân phiệt, độc đoán, chống tự do vô kỷ luật.
- Ba là, quân đội ta là quân đội của dân, do dân và
vì dân. Vì vậy, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có
thái độ chính trị đúng đắn trước những mối quan hệ chính trị cơ bản: với nhân
dân, quân đội ta là người phục vụ trung thành, cùng nhân dân bảo vệ độc lập chủ
quyền, chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng,
bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân; với đất nước, quân đội
ta là công cụ để bảo vệ độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ
sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc…; với
bầu bạn, quân đội ta thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ sự nghiệp đấu
tranh cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hoà bình thế giới; với nội bộ, thực
hiện toàn quân một ý chí, kỷ luật nghiêm minh, dân chủ, bình đẳng về chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một
Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.
- Bốn là, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong xây dựng
quân đội phải lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính. Bác Hồ nói: “Người
trước súng sau”. Chiến lược “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một
đội ngũ cán bộ quân đội trung thành, có trí tuệ đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của
đấu tranh và mọi thử thách của cách mạng. Người nói: “Muôn việc thành công hay
thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “… cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Đối với cán bộ trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trí, Dũng, Nhân,
Tín, Liêm, Trung”. Người đặt “Trí” lên hàng đầu. Theo đó, cán bộ quân sự trước
hết phải là người có trí tuệ, không ngừng trau dồi trí thức, nâng cao trí tuệ mới
hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì
vậy phải có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khoa học xã hội và
nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối chính sách của Đảng mới
tự giác phấn đấu theo đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, có niềm tin thắng
lợi, dựa vào căn cứ khoa học, có lý luận để thuyết phục quần chúng, có khả năng
tổng kết thực tiễn, phát huy sức sáng tạo của quần chúng để góp phần cụ thể
hoá, bổ sung đường lối, chủ trương của Đảng.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh thắng quân đội
nhà nghề hai đế quốc to, trước hết là thắng bằng trí tuệ, bằng tài thao lược, kế
thừa truyền thống đánh giặc của tổ tiên, tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật quân sự
của nhân loại, có phương pháp xem xét đúng, hiểu rõ sức mạnh quân đội của các
nước đế quốc, sáng tạo cách đánh tài giỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quân
đội cách mạng phải: “nghiên cứu cách đánh giặc” để “có một lối đánh tài giỏi
thì trăm trận trăm thắng”. Nếu “thiếu nghiên cứu tìm hiểu tình hình khả năng ta
và địch một cách tỉ mỉ để định ra mục đích và cách đánh hợp lý thì sẽ “mắc nhiều
khuyết điểm”. Người căn dặn cán bộ phải chịu khó học tập, không ngừng nâng cao
trí tuệ, văn hoá để có phương hướng đúng cho việc trau dồi đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc cán bộ học ở trường, ở sách vở và trong thực tiễn
đấu tranh cách mạng đều rất quan trọng. Theo Người, học phải đi đôi với hành, lời
nói phải đi đôi với việc làm. Người coi trọng quá trình xây dựng quân đội nhân
dân phải là quá trình rèn luyện lâu dài chiến đấu với kẻ thù, trong đấu tranh
chính trị, trong vận động quần chúng, trong xây dựng nâng cao sức mạnh chiến đấu.
Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu của mỗi quân nhân trong quân đội chẳng
những là sự tích luỹ một hàm lượng trí tuệ mà còn là kết quả của sự đấu trí giữa
ta và địch. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và chiến đấu, quân đội ta đã bồi dưỡng được
một đội ngũ cán bộ quân sự tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, giỏi
thao lược, đánh thắng mọi kẻ thù. Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều
cán bộ cao cấp trưởng thành từ giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng
đi lên. Đó là một thành công lớn lao của Đảng và Bác Hồ.
Trải qua 77 năm, quân đội ta xây dựng và chiến đấu
theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh giải phóng
dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những năm hoà
bình, quân đội ta là một lực lượng rất quan trọng bảo đảm sự ổn định chính trị
và an toàn xã hội của nước nhà. Ngày nay, trong bối cảnh mới, đất nước bước vào
thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chúng ta đang đứng trước vận hội mới và
những thách thức mới. Đảng ta xác định xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược. Nhiệm vụ của quân đội ta rất nặng nề, phải
bảo vệ được hoà bình, góp phần tạo môi trường ổn định để tiến hành công nghiệp
hoá, hiện đại hoá, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng
biển, biên giới hải đảo của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng
và Nhà nước, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc,
lợi ích quốc gia, chống lại các thế lực thù địch với các thủ đoạn “diễn biến
hoà bình”, bạo loạn lật đổ và sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược
kiểu mới của địch. Chức năng cơ bản của quân đội là bảo vệ vững chắc độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ tính mạng tài sản,
quyền làm chủ của nhân dân và chức năng đội quân công tác, đội quân sản xuất có
những nội dung và yêu cầu mới.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi
quân đội phải được xây dựng với chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại. Nhiệm vụ đó đặt ra yêu cầu đầu tư hơn nữa vào công tác huấn luyện bộ
đội, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chỉ huy giỏi, sáng tạo cách đánh và tổng
kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học quân sự, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây
dựng học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại mới, góp phần vào việc đổi mới
phong cách lãnh đạo chỉ huy Quân đội nhân dân. Cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện
hệ thống pháp luật về xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn
dân bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục thể chế hoá đường lối, quan điểm, Nghị quyết của Đảng
về xây dựng quân đội; ban hành hệ thống điều lệnh, điều lệ về các hoạt động của
Quân đội nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quân đội, giải
quyết tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong nhà nước pháp quyền do Đảng
lãnh đạo.
Những vấn đề trên đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn
dân và toàn quân ta tiếp tục học tập, tìm hiểu và nghiên cứu sâu sắc hơn nữa tư
tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội
nhân dân, góp phần tăng cường nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm cho quân đội ta mãi xứng đáng với danh hiệu cao
quý: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét