Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói
và viết không đơn thuần là một hành động thông tin mà còn là quá trình tác động
lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục, cảm hóa, nâng cao nhận thức, thay
đổi quan niệm và hành vi, hướng mọi người vào các hoạt động thực tiễn cách mạng
phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Trong tính đa dạng và phong
phú của những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, có thể thấy những nét chung,
cơ bản nhất, đó là:
Thứ nhất, cách nói, cách viết giản
dị, cụ thể, thiết thực. Cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất
mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị, khúc triết và dễ hiểu, phù hợp với trình
độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người
nghe. Người luôn căn dặn chúng ta, bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem?
Nói cho ai nghe? Nói/viết để làm gì? và “Nói/viết cái gì?”. Hồ Chí Minh dạy rằng:
“Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng. Vì
cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản
đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói khô
khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”.
Thứ hai, trong phong cách diễn đạt
của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm tính chân thực, cô đọng, hàm súc, trong sáng
và sinh động, có lượng thông tin cao. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thực
trong mỗi bài nói, bài viết của mình đối với từng đối tượng. Khi nói, viết về một
vấn đề gì cho một đối tượng cụ thể, Hồ Chí Minh luôn phản ảnh đúng sự thật, bảo
đảm tính chính xác, tính chân thực của các sự kiện, vấn đề mà Người nêu ra. Người
phê phán tính thiếu chính xác, thiếu chân thực, thói giả dối khi viết, khi nói
với quần chúng nhân dân của một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và nhà nước
lúc bấy giờ. Người yêu cầu: “Báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực.
Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”,
“Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Thứ ba, cách nói, cách viết sinh động,
độc đáo, đa dạng về bút pháp, giàu hình ảnh, đa giọng điệu, ngôn từ ngắn gọn,
súc tích, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể. Khi nói, khi viết,
Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần
điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lốì
nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của
chủ nghĩa đế quốc; ví “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng
như cái đích để bắn”; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt
sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng
chỉ là “cái hòm đựng sách”...
Thứ tư, Phong cách diễn đạt luôn
biến hóa, nhất quán mà đa dạng, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, luận điểm,
luận cứ thuyết phục, giàu tính luận chiến dù đó là các bức thư, lời kêu gọi hay
bài báo… Trong cách nói và viết, Người kết hợp hài hòa cái dân gian và cái bác
học, cái cổ điển và cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách
phương Tây.
Sự thuyết phục từ những trang viết,
câu nói của Người thể hiện ở chiều sâu bình luận, phân tích, tập trung vào từng
sự việc, hiện tượng với chứng cứ, luận cứ sắc sảo trên lập trường, quan điểm
nhân đạo chủ nghĩa cao cả. Những lời khuyên và chỉ bảo của Bác cũng như phong
cách nói và viết đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần,
trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc,
người nghe.
Đây chính là những bài học quý báu
mà Người đã để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên chúng ta, nhất là những
người làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng. Bởi lẽ, phong
cách diễn đạt nói và viết là vấn đề thường xuyên gắn liền với hoạt động hằng
ngày của mỗi người chúng ta, là hai kỹ năng quan trọng của con người. Muốn làm
chủ quá trình tư duy và nâng cao hiệu quả giao tiếp, mỗi người chúng ta đều phải
trau dồi khả năng nói và viết. Hơn nữa, đối với cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo,
kỹ năng nói và viết càng cần thiết hơn. Người lãnh đạo có ý tưởng tốt mà không
làm cho quần chúng nhân dân hiểu được thì sẽ gặp khó khăn trong điều hành, quản
lý, không triển khai được kế hoạch và không tạo được sức mạnh tập thể thực hiện
kế hoạch trong thực tiễn. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm
tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của
Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nếu không có kỹ năng diễn đạt thì công
tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương chính sách đó sẽ rất hạn
chế.
Vì vậy, việc nghiên cứu học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ
Chí Minh để xây dựng phong cách diễn diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp đối
với cán bộ, đảng viên là biện pháp thiết thực để vận dụng vào thực tiễn công
tác và cuộc sống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong
giai đoạn hiện nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét