Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

8 DẤU ẤN NHIỆM KỲ 2020 - 2021 CỦA VIỆT NAM TẠI LIÊN HỢP QUỐC

 

Xứng đáng với lòng tin và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (UVKTT HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) năm 2020-2021 với những dấu ấn quan trọng, đóng góp lớn vào tổng thể triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là nâng tầm đối ngoại đa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 


Ngày 7/6/2019, trong khuôn khổ Khoá 73 Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu). Đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự đảm nhận trọng trách quan trọng này, thể hiện sự tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế dành cho một Việt Nam đổi mới, phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, là minh chứng cho uy tín và vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Điều này cũng thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của quốc tế đối với năng lực và sự tham gia có trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới.


Bước vào nhiệm kỳ UVKTT lần này, Việt Nam phải đương đầu với thách thức chung chưa từng có đối với nhân loại. Đó là đại dịch COVID-19 xuất hiện, lan nhanh và tạo thành cuộc đại khủng hoảng, đa khủng hoảng trên toàn thế giới, tác động tiêu cực, đa chiều đến mọi mặt của đời sống quốc tế trong đó có hoạt động của LHQ: phải đóng cửa, chuyển sang hoạt động trực tuyến, trong khi các quốc gia phải điều chỉnh ưu tiên, tập trung vào ứng phó và kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh truyền thống như căng thẳng, xung đột, bất ổn vẫn tiếp diễn, thậm chí gay gắt và phức tạp hơn trước ở khu vực Trung Đông - Châu Phi, các điểm nóng cục bộ ở châu Âu, châu Á… Trong khi đó, cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng của các nước lớn tiếp tục diễn ra hết sức quyết liệt; chủ nghĩa dân tộc, chính trị cường quyền, tranh chấp lãnh thổ, các hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế gia tăng; chủ nghĩa đa phương bị thách thức nghiêm trọng, tạo nên trạng thái quan hệ quốc tế bất định, bất ổn và bất an.


Trong bối cảnh đầy thách thức đó, với thông điệp chủ đề “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam đã quyết tâm và làm hết sức mình để hiện thực hóa cam kết xây dựng quan hệ đối tác, sẵn sàng hợp tác với tất cả các thành viên HĐBA, thành viên LHQ vì mục tiêu chung là thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực xây dựng hòa bình bền vững và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người dân trên thế giới, phù hợp với quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng của người dân về phòng ngừa xung đột, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế. Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực đóng góp cho công việc chung của cộng đồng, thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, yêu chuộng hòa bình, tích cực và trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc đối ngoại theo phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, qua đó, tạo thêm giá trị, nền tảng lâu dài cho việc hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.


Thứ nhất, Việt Nam đã cùng các thành viên khác đảm bảo hoạt động thông suốt của HĐBA với chương trình nghị sự phong phú, nội dung rộng khắp, bao quát tình hình ở tất cả các châu lục, nhiều điểm nóng và vấn đề được quốc tế quan tâm hàng đầu. Trong năm 2020-2021, HĐBA đã có gần 900 cuộc họp cấp đại sứ trở lên, hàng nghìn cuộc tham vấn các cấp, thông qua 247 văn kiện (trong đó có 111 nghị quyết, 37 tuyên bố Chủ tịch, 100 tuyên bố báo chí); thảo luận các vấn đề quốc tế nóng nhất từ ứng phó COVID-19, biến đổi khí hậu, hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo vệ thường dân, chống khủng bố… đến xung đột, bất ổn tại Libya, Israel-Palestine, Ethiopia, Syria, Myanmar…


Thứ hai, Việt Nam tích cực tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự HĐBA ở tất cả các khu vực, trong đó có các cuộc xung đột ở châu Phi, khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Trung Đông, cũng như các vấn đề chủ đề quan trọng như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch COVID-19... Thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác, đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu; tìm giải pháp công bằng, hợp lý cho các vấn đề đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế; giữ vững nguyên tắc song vẫn đảm bảo linh hoạt, khéo léo trong ứng xử với các nước, các bên.


Thứ ba, Việt Nam đã quan tâm và thúc đẩy xử lý một cách tổng thể các thách thức về hòa bình an ninh từ phòng ngừa xung đột, giải quyết xung đột đến xử lý hậu quả xung đột, trong đó nhấn mạnh vấn đề giải quyết hậu quả bom mìn, đề cao yêu cầu giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước. Việt Nam đã tổ chức thành công phiên thảo luận mở do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì về khắc phục hậu quả bom mìn và thông qua Tuyên bố Chủ tịch về vấn đề này vào tháng 4/2021. Đây là Tuyên bố đầu tiên của HĐBA đề cập riêng đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn, nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom mìn với duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, đề cao sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế và đặc biệt là khẳng định cam kết của HĐBA đối với lĩnh vực này - điều các văn kiện trước đó chưa làm được.


Đóng góp của Việt Nam trên cương vị UVKTT HĐBA LHQ được bạn bè đối tác đánh giá cao. Tổng thư ký LHQ Antonio Guiteres ghi nhận “Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Giờ đây, sau hơn 40 năm, Việt Nam đang thể hiện là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực".

Thứ tư, Việt Nam cũng đã thể hiện tinh thần đoàn kết ASEAN, phối hợp chặt chẽ với Indonesia trong năm 2020 (khi cả hai nước là UVKTT HĐBA), thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN và hợp tác giữa ASEAN và LHQ nói chung và với HĐBA nói riêng. Trên vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và nước ASEAN duy nhất tại HĐBA năm 2021, Việt Nam đã củng cố và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và HĐBA LHQ thông qua việc tổ chức Phiên thảo luận mở đầu tiên của HĐBA về hợp tác giữa ASEAN và LHQ vào tháng 1/2020 và Phiên thảo luận mở về vai trò các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin, thúc đẩy thông qua tuyên bố; đề cao vai trò của ASEAN trong thảo luận và văn kiện của HĐBA về vấn đề Myanmar.


Thứ năm, kiên trì lập trường nhất quán tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: thúc đẩy hòa bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp… Trong lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA (tháng 1/2020), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì Phiên thảo luận mở với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” với sự tham gia và phát biểu của 111 diễn giả từ 106 quốc gia, cũng là số diễn giả cao nhất từ trước đến nay trong các cuộc thảo luận mở của HĐBA. Cũng tại phiên thảo luận này, lần đầu tiên trong lịch sử, HĐBA thông qua một Tuyên bố Chủ tịch riêng về tuân thủ Hiến chương LHQ, khẳng định giá trị bền vững của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực cần bảo đảm xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế phù hợp với Hiến chương LHQ.


Thứ sáu, Việt Nam đã để lại dấu ấn về tinh thần nhân văn của dân tộc. Xuất phát từ chính những kinh nghiệm của Việt Nam từng trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, Việt Nam đã thúc đẩy các vấn đề nhân đạo như bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, nhất là các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em trong xung đột vũ trang; luôn đề cao lợi ích của người dân trong các biện pháp, cách thức xử lý của HĐBA (như trong vấn đề Syria, Yemen...). Sự kiện do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì và thông qua Nghị quyết 2573 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đưa ra những quy định tổng thể, dài hạn đối với việc bảo vệ hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như nhân viên vận hành.


Thứ bảy, Việt Nam đã thúc đẩy một cách hiệu quả các ưu tiên và khẳng định vai trò quốc tế của Việt Nam như giới thiệu và thúc đẩy Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng, chống dịch; thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) với hơn 113 nước tham gia; tái cử thành công vào Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ (ILC) nhiệm kỳ 2021-2026; vận động ứng cử vào các cơ quan LHQ khác như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025; tích cực tham gia, khẳng định lập trường trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, công bằng trong tiếp cận vaccine, biến đổi khí hậu, an ninh biển.


Thứ tám, Việt Nam cũng có những đóng góp rất thiết thực đối với công việc của HĐBA, như cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ tại Nam Sudan vào cuối tháng 3/2021; mở rộng lĩnh vực, địa bàn và quy mô lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ, trong đó lần đầu tiên triển khai Đại đội công binh tại Phái bộ UNISFA ở Abyei (Sudan/Nam Sudan). Tham gia của Việt Nam đối với các hoạt động GGHB LHQ được LHQ và bạn bè quốc tế, đặc biệt là người dân sở tại ghi nhận và trân trọng, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam. Đó cũng là tiền đề để 3 sĩ quan Việt Nam đã được lựa chọn trúng tuyển vào làm việc tại Trụ sở LHQ trong giai đoạn 2021 – 2023.


Đóng góp của Việt Nam trên cương vị UVKTT HĐBA LHQ được bạn bè đối tác đánh giá cao. Tổng thư ký LHQ Antonio Guiteres ghi nhận “Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Giờ đây, sau hơn 40 năm, Việt Nam đang thể hiện là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực". Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Vương quốc Anh bên cạnh LHQ Barbara Woodward ca ngợi “Việt Nam là một đối tác rất tuyệt vời trong HĐBA trong việc giải quyết tất cả các vấn đề. Dù là vấn đề gần với Việt Nam về địa lý như Myanmar, hay xa xôi như Afghanistan, Ethiopia, Sudan... Việt Nam đều tìm được cách tiếp cận rất tốt”.


Đây chính là thành quả của quyết tâm, nỗ lực chung của toàn Đảng và toàn dân, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các bộ, ngành, ý chí đoàn kết và sự đồng lòng của cả dân tộc, sự hỗ trợ của LHQ và bạn bè quốc tế cũng như sự ủng hộ rộng rãi của các đối tác. Kết quả đó cũng là nhờ thế và lực mới của đất nước đạt được sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng; kinh tế - xã hội phát triển ổn định, tiềm lực và quy mô kinh tế tăng, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao; quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, trong đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm tất cả các nước UVTT HĐBA. Đó cũng là do ta đã biết phát huy kinh nghiệm ngoại giao đúc kết hơn 75 năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ UVKTT HĐBA LHQ giai đoạn 2008-2009 và bài học chân lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại, vừa đặt mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia - dân tộc, vừa có cách làm sáng tạo, chính trực, xử lý hài hòa quan tâm chung của các nước, các đối tác. “Lửa thử vàng gian nan thử sức” - Chính những thách thức trong thời gian qua đã một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, tâm thế sẵn sàng cho các “cuộc chơi” lớn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét