Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển

 


 Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị dân tộc và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số.

 Đảng và Nhà nước thực hiện một chiến lược kinh tế chung trong đó ưu tiên đúng mức cho sự phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu. Thực hiện điều đó vừa đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng to lớn của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, vừa đáp ứng yêu cầu xoá bỏ dần sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các dân tộc, các vùng để các dân tộc thực sự bình đẳng và hoà hợp với nhau hơn. Tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhưng bằng những hình thức, bước đi phù hợp với đặc điểm dân tộc. Phát huy hiệu quả của sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, trong đó đánh giá đúng mức vai trò tác dụng sự giúp đỡ của các dân tộc đa số, có trình độ phát triển cao hơn đối với các dân tộc thiểu số còn ở trình độ lạc hậu. Thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, tạo  điều kiện cho nhân dân chủ động sản xuất, gắn bó với đất, với rừng. Chương trình cấp Nhà nước về định canh, định cư cần được đầu tư thoả đáng và tổ chức thực hiện tốt (hiện nay trong cả nước còn 1 triệu người sống du canh, du cư). Trên cơ sở phát triển kinh tế, công cuộc cải tạo và phát triển về mặt xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số cần gắn chặt với việc thực hiện chương trình phân bổ lại lao động xã hội để hình thành một cơ cấu xã hội dân cư mới ở các vùng này. Điều đó có ý nghĩa xã hội cực kỳ quan trọng, nó sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ thúc đẩy bước tiến của các dân tộc thiểu số còn đang ở trình độ lạc hậu. Quan tâm đến sự phát triển văn hoá, giáo dục của mỗi dân tộc, tạo điều kiện để thực hiện xoá mũ chữ, phổ cập giáo dục cũng như tạo điều kiện cho từng dân tộc khai thác, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình bằng khả năng sẵn có. Đồng thời bằng nhiều hình thức, thúc  đẩy một cách hợp lý quá trình giao lưu, hoà hợp tinh hoa văn hoá của các dân tộc mà tác dụng của nó vừa làm cho nền văn hoá xã hội chủ nghĩa Việt Nam đậm đà bản sắc dântộc được thúc đẩy mạnh mẽ. Thực hiện và bảo đảm về mặt pháp lý quyền bình đẳng  giữa các ngôn ngữ trên lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện để có được quyền bình đẳng thực tế của các ngôn ngữ. Nội dung quyền bình đẳng giữa các ngôn ngữ được thể hiện ở chỗ các dân tộc được quyền sử dụng ngôn ngữ của mình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống,  các phạm vi giao tiếp, từ nội bộ các dân tộc đến ngoài xã hội, trong giáo dục, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước toà án, trên các giấy tờ hành chính  cũng như thư tín cá nhân…; đồng thời, có chính sách tích cực  để phổ biến nhanh chóng và sâu rộng ở trình độ cao ngôn ngữ phổ thông- tiếng việt- trong tất cả các dân tộc thiểu số ở nước ta. Tiếng Việt  là ngôn ngữ chung, ngôn ngữ quốc gia của tất cả các dân tộc, là phương tiện giao lưu văn hoá giữa các dân tộc ở Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, văn hoá, khoa học… cho từng dân tộc; đồng thời giáo dục tinh thần đoàn kết hợp tác cho cán bộ các dân tộc, bởi vì chỉ tinh thần đó mới phù hợp với đòi hỏi khách quan của công cuộc phát triển dân tộc và xây dựng đất nước. Trong công cuộc đó, không dân tộc nào có thể chỉ sử dụng đội ngũ cán bộ xuất thân từ dân tộc mình, ngược lại, cần sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các đội ngũ cán bộ thuộc mọi dân tộc trong cả nước. Đưa vào vị trí trung tâm của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng việc giáo dục cho nhân dân các dân tộc lòng tự hào chân chính về dân tộc mình, đồng thời giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, yêu mến Tổ quốc Việt nam, tinh thần quốc tế chân chính. Đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, thái độ hư vô, xem nhẹ vấn đề dân tộc, tâm lý tự cao của dân tộc lớn; tâm lý hẹp hòi, khép kín của dân tộc nhỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét