Nếu nói người già thường bảo thủ thì trong trường hợp này không đúng với tôi. Đã có một lần tôi viết để ta thán cái bệnh hình thức trong xã hội ta. Thôi thì, trong dân gian, căn bệnh này xuất hiện ở nhiểu nơi, nhiều trường hợp. Trong dân thì khó sửa lắm, nhưng trong cơ quan công quyền thì phải sửa.
Bữa trước thấy một vị lãnh đạo nhà ta sang thăm Pháp, tôi để ý trong buổi lễ đón tiếp, có hàng quân danh dự mà không thấy có trải thảm đỏ. Ở ta ấy mà, tôi đã thấy khách người nhà đến thăm một đơn vị nọ cũng có thảm từ sân vào hội trường đó. Ừ thôi, phong tục mỗi nơi mỗi khác.
Nhưng còn cái chuyện tặng hoa thì gần đây hình như nước ta hơi bị lạm phát cái khoản này. Phòng họp nào cũng đầy hoa, hoa trên sân khấu, hoa trên bàn họp, hoa dưới nền nhà. Tôi đã thấy trong một buổi lễ trao tặng danh hiệu gì đó, một người được tặng hai ba bó hoa ngoài bằng danh dự, ngoài vật kỷ niiệm, đến nỗi người đó không còn tay đâu mà cầm. Một điều chắc chắn là trước khi ra về, các bó hoa đó sẽ bị ném vào đâu đó. Hãy làm một con tính đi, một ngày chúng ta phải chi bao nhiêu tiền để mua hoa? Dân tiếc tiền lắm đó!
Rồi băng-rôn đón chào. Đành rằng ngày nay người ta không phải cắt chữ rồi dán lên tấm vải đỏ nữa mà dùng máy tính đưa lên màn hình chiếu trong hội trưởng. Nó không gây lãng phí, song tôi lại nghĩ đến một khía cạnh khác. Phải học tập cụ Hồ thôi! Học mãi mà vẫn không theo kịp Người.
Tôi còn nhớ, một lần cụ Hồ xuống thăm một khu mỏ, cụ không đi vào hội trường ngay – nơi mọi người đang chờ Người đến, mà đi thẳng xuống bếp coi đời sống của công nhân mỏ ra sao. Đón tiếp Người, chúng tôi không thấy có câu bây giờ ta thường thấy – “Hoan nghênh đồng chí A B C đến thăm và làm việc với…”.
Chao ôi! Việc đi xuống các địa phương, các bộ ngành là trách nhiệm, là một trong những hoạt động bình thường của người làm việc ở cơ quan cấp trên xuống để giải quyết những vấn đề của cơ sở, kiểm tra hoạt động của cơ sở. Tại sao phải “Hoan nghênh”? Hoan nghênh vì đã đi kiểm tra, đã đi chỉ đạo, việc đó có phải trong phạm vi chức trách và nhiệm vụ của người công chức đó không? Tóm lại, là “hoan nghênh” ông/bà đã đi làm việc!
Lại chuyện học cụ Hồ. Một tết nọ, cụ đi thăm coi đồng bào ăn tết ra sao. Sau khi đến các gia đình do thành phố chỉ định để cụ đến thăm. Trên đường ra về, cụ nói với người thư ký hay anh bảo vệ gì đó, coi có nhà nào nghèo nhất bác cháu ta vào thăm họ. Câu chuyện này là bài học cho những ai nói học Bác nhưng lại không làm theo Bác. Nói đến thế thôi, chứ nhiều điều các vị công chức hiện nay chưa học được hết.
Tỷ như tặng quà cho những đối tượng nào đấy. Quà được mua bằng tiền của ai thì người đó có quyền để tên mình là người tặng. Còn một khi đã trích từ công quỹ thì tuyệt đối không được đề tên cá nhân. Chỉ có thể đó là quà tặng của Chính phủ, của Hội nọ, đoàn thể kia. Đừng làm kiểu “của ông mít lại phúc bà đa” như vậy, khó coi lắm.
Rồi “ngày” của đối tượng này, đối tượng nọ trong xã hội của nước ta sao mà nhiều thế? Tôi, một người cha, một người liền ông, một người cao tuổi mà trong những ngày dành cho đối tượng này cũng chẳng có gì khác với 364 ngày còn lại trong năm. Không biết những người cha, người liền ông, người cao tuổi khác có nhận được gì vào ngày đó không? Chứ tôi thì tuyệt nhiên không! Cũng là một bệnh hình thức.
Hôm nay tôi mạo muội nói thế, chắc các vị có chức quyền cũng không đọc được đâu. Nói để mà nói, để mà giải tỏa bớt sự bức xúc thôi. Đó là những việc theo tôi là những hạt bụi làm mờ đi những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét