Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Các dân tộc Việt Nam rất đoàn kết trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

 


Hiện nay nước ta có 54 thành phần dân tộc, dân tộc Kinh và 53 dân tộc thiểu số, dân tộc kinh là dân tộc đa số. Tính đến 01/4/2019, dân tộc Kinh chiếm 85,3% dân số; 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số cả nước. Trong số 54 dân tộc, có những dân tộc vốn sinh ra và phát triển trên mảnh đất Việt Nam ngay từ thủa ban đầu, có những dân tộc từ nơi khác di cư đến rồi định cư trên lãnh thổ Việt Nam. Dân tộc tại chỗ như dân tộc Việt (còn gọi là dân tộc Kinh ngày nay); dân tộc Việt - Mường (còn gọi là dân tộc Mường ngày nay). Di cư từ Trung Quốc như dân tộc Thái, Hoa, Cao Lan, HMông, Sán Chỉ, Giáy v.v..., dân tộc HMông, Cao Lan, Sán chỉ và Giáy di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trước. Di cư  từ Lào có dân tộc Chăm. Di cư từ Camphuchia có dân tộc Kheme v.v... Thời kỳ hội nhập có một số dân tộc từ các nước khác như: Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Châu Mỹ sang làm việc, sinh sống tại Việt Nam…

Các dân tộc ở Việt Nam rất đoàn kết. Đoàn kết đã trở thành truyền thống, thành sức mạnh và là nền móng để xây dựng một quốc gia dân tộc bền vững xuyên suốt mọi thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt nam.

Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhiều dân tộc có chung cội nguồn. Nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đã có nhiều truyền thuyết như truyện: Quả bầu mẹ giải thích các dân tộc có chung nguồn gốc; truyện: Đôi chim đẻ ra hàng trăm, hàng ngàn trứng nở ra người Kinh, người Mường, người Thái, người Khơ-mú...; truyện của dân tộc Ba-na, Ê-đê kể rằng người Kinh, người Thượng là anh em một nhà; đặc biệt là truyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con, một nửa theo cha xuống biển trở thành người Kinh, một nửa theo mẹ lên núi thành các dân tộc thiểu số. Vua Hùng được coi là Tổ tiên chung của cả nước.

Các dân tộc có cùng nguồn gốc lịch sử, có nhiều điểm đương đồng là điều kiện thuận lợi dễ gần gũi, gắn bó với nhau. Song dù cùng hoặc không cùng một nguồn gốc sinh ra, có sự khác nhau về tâm lý, phong tục, tập quán... thì đều là người trong một nước, con trong một nhà, vận mệnh gắn chặt với nhau, các dân tộc trên đất nước Việt nam luôn kề vai, sát cánh bên nhau, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.Các dân tộc ở Việt Nam đoàn kết bởi hai lý do: Thứ nhất, do phải đoàn kết để chế ngự tự nhiên và chống giặc ngoại xâm. Việt Nam ở khu vực địa lý có nhiều thuận lợi, song điều kiện tự nhiên cũng rất khắc nghiệt. Do nắng lắm, mưa nhiều nên hàng năm thường bị hạn hán, lũ lụt. Do yêu cầu tồn tại và phát triển ở một nước nông nghiệp, trồng lúa nước là chính, cư dân ở Việt Nam phải liên kết nhau lại, hợp sức để khai phá đất hoang, chống thú dữ, xây dựng các hệ thống thủy lợi, đê, đập, nhằm đảm bảo phát triển sản xuất. Trải qua nhiều thế kỷ dựng nước và giữ nước, sự gắn bó, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc đã được coi như một tiêu chuẩn đạo đức.

Cùng với lịch sử trinh phục thiên nhiên, nhân dân Việt Nam còn có lịch sử chống giặc ngoại xâm vô cùng oanh liệt. Do Việt nam ở vào nơi thuận tiện trên trục đường giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây của thế giới, có tài nguyên, thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý - chính trị có tính chiến lược. Cho nên các thế lực bành trướng, xâm lược luôn nhòm ngó và tìm cách thôn tính Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt nam là lịch sử chống giặc ngoại xâm liên tục và nhiều lần, trong đó có nhiều cuộc đấu tranh chống lại những thế lực hùng mạnh, giàu có và hung bạo nhất thế giới. Chính vì vậy mà cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn sát cánh bên nhau, liên tục đứng lên chống giặc ngoại xâm, đánh thắng quân xâm lược. Thứ hai, dân tộc Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn và lòng nhân ái, vị tha cao cả. Lòng yêu nước Việt nam đã được hun đúc từ bao thế hệ phát triển thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, càng khó khăn gian khổ, càng hiểm nguy thì người dân Việt Nam càng thương yêu nhau hơn, càng quyết tâm hơn, càng đồng lòng hơn để vượt qua. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã là cơ sở, động lực rất quan trọng để mọi con dân đất Việt đoàn kết, yêu thương, tương trợ giúp đỡ lẫn nhan. Cùng với đó Người dân Việt nam luôn có tấm lòng nhân ái vị tha cao cả. Lòng nhân ái của người Việt Nam không chỉ trong nội tộc mà còn đối với cả thế giới. Đoàn kết trong lao động và đấu tranh là truyền thống nổi bật nhất của các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong sự nghiệp cách mạng do Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới rất to lớn và đáng tự hào cho thấy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam đã được nâng lên tầm cao và chiều sâu mới, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, làm cho thế và lực của cách mạng Việt Nam ngày càng được tăng cường.

Tuy nhiên bên cạnh mặt đoàn kết là cơ bản, có nơi, có lúc vẫn xẩy ra những va chạm trong quan hệ dân tộc, còn có những biểu hiện mặc cảm, thành kiến dân tộc. Chính vì thế ở một số nơi, các lực lượng thù địch đã lợi dụng để kích động chia rẽ dân tộc. Do đó việc tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét