Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập không
lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện tiêu cực
của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các cơ quan công quyền, như: “Óc bè phái. Ai
hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không
hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe. Đó
là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí,
thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm”; “Óc hẹp hòi-Ở trong Đảng
thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì
khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà
không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng”;
"Óc quân phiệt quan liêu. Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua
con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối
với cấp dưới cậy quyền lấn áp"; "Ích kỷ, hủ hóa...".
Đó còn là những biểu
hiện thể hiện rõ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, như: "Bệnh tị nạnh-Cái gì
cũng muốn “bình đẳng”... Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng; “Bệnh
kiêu ngạo-Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen
ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe
khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng,
không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”; “Bệnh
hiếu danh-Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà
việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần
lung lay... Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết
thực”; "Bệnh cận thị-Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì
không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ... chỉ trông thấy sự lợi hại
nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn"; "Bệnh "cá
nhân"... Không theo nguyên tắc sinh hoạt của Đảng... Không phục tùng mệnh
lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình..." Bên cạnh đó,
"Bệnh xu nịnh, a dua-Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau
lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió
bẻ buồm, không có khí khái"; “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy
hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng
cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai
không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi
tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại
cho Đảng”... Những cán bộ, đảng viên mang trong mình các biểu hiện tiêu cực,
các tật bệnh xấu này chính là những người suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối
sống, “hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là
dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến
Chính phủ và Đoàn thể”.
Có thể nói, những biểu
hiện tiêu cực, sự suy thoái mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra ở trên đều là
"con đẻ" của chủ nghĩa cá nhân; không chỉ phản ánh sự thiếu tu dưỡng,
rèn luyện về mọi mặt của người cán bộ, đảng viên mà còn là "kẻ địch nội
xâm", kẻ thù của người cách mạng. Những cán bộ, đảng viên có suy nghĩ và
hành động tiêu cực này là những người không chỉ tham danh trục lợi, thích địa
vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, độc đoán, chuyên quyền, thiếu
tính tổ chức, tính kỷ luật mà còn coi thường công tác dân vận (không lắng nghe
tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ngày càng rời xa quần chúng, làm trái ngược
nguyên tắc phải gắn bó mật thiết với nhân dân...). (X.T)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét