Khái niệm chuyển đổi số (Digital Transformation) xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2018, đến nay đã trở thành một từ khóa phổ biến, một vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là: nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…; khả năng thích ứng và đón nhận các xu thế phát triển lớn trên thế giới, bao gồm công nghệ số, chuyển đổi số là rất rõ rệt...
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về chuyển đổi số. Theo đó, các chủ trương, thể chế, chính sách về chuyển đổi số là tương đối đầy đủ, các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành. Đáng chú ý, các ứng dụng công nghệ số được xây dựng nhanh chóng (góp phần cùng cả nước tham gia phòng chống dịch COVID-19); các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội, nhất là dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, an toàn, an ninh mạng, ngày càng được chú trọng, thứ hạng an toàn, an ninh mạng Việt Nam được cải thiện vượt bậc, năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 25 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2019; xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016 (theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc). Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng nhanh. Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Công an và ngân hàng là hai ngành có những ngành có bước chuyển đổi số mạnh mẽ. Bộ Công an đã hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân. Đây là 2 dự án quan trọng, là dữ liệu gốc cho quá trình phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Qua số liệu thống kê của 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính 15.000 tỷ đồng mỗi năm (chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động). Nhiều ngân hàng, 90% giao dịch thực hiện trên nền tảng số.
Đối với ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế, trước đây, cơ bản dựa trên “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng”, đến nay đã dần chuyển qua "trông" vào dữ liệu đám mây, vào các thiết bị kết nối thông minh; từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, chuyển sang tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa đánh giá, năm chuyển đổi số Quốc gia 2020 đã đánh dấu sự khởi động đầy tích cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi địa phương và toàn xã hội trong cuộc đua chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhìn nhận, năm 2021 là năm bắt đầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, cũng là năm Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Bên cạnh chất xúc tác đáng kể là đại dịch COVID-19, sự chuyển biến mạnh và tích cực này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước từ cấp cao nhất, của các tổ chức chuyên môn và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ - lực lượng tiên phong của quá trình chuyển đổi số toàn diện quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét