Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Ngoại giao văn hóa Việt Nam - nâng cao vị thế, củng cố sức mạnh mềm của đất nước

Ngày nay, trong quan hệ quốc tế, bên cạnh sức mạnh cứng, các nước đều quan tâm củng cố và phát huy sức mạnh mềm, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia mình. Đối với nhiều nước, đây còn là ưu tiên chiến lược với phương thức thực hiện là ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa.

Có thể thấy rằng Việt Nam có nguồn sức mạnh văn hóa to lớn, là nền tảng vững vàng để triển khai ngoại giao văn hóa, nâng cao vị thế, củng cố sức mạnh mềm của đất nước.
Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm giữ gìn độc lập, thống nhất và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, ông cha ta đã vận dụng ngoại giao văn hóa một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn thông qua chiến lược "ngoại giao tâm công" và các biện pháp ngoại giao hòa hiếu.
Ngày nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Ngoại giao văn hóa được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, được triển khai sâu rộng ở nhiều cấp độ và địa bàn trong cả nước. Từ mục tiêu góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm nâng cao vị thế quốc gia, đến nay, ngoại giao văn hóa đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, đóng góp tích cực đối với sự phát triển của đất nước.
Trong hơn 10 năm qua, ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng rãi cả trong nước và ngoài nước với sự tham gia đông đảo của các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân, tổ chức.
Thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến, từ đó dẫn tới quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam… hay cao hơn là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay".
Để đạt được thành công đó là kết quả của sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách đối nội và đối ngoại, là sự đóng góp tích cực của tất cả các binh chủng thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội, giáo dục-khoa học... và nhất là sự nỗ lực của mỗi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Nếu như những thành tựu về duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng dự trữ ngân sách, tăng thu nhập đầu người, hiện đại hóa quốc phòng... là những chỉ số "cứng" tạo nên "cơ đồ, tiềm lực" cho quốc gia thì những giá trị văn hóa, truyền thống, tư tưởng, triết lý của người Việt Nam được lan tỏa rộng rãi, sự yêu mến của người dân thế giới... là những chỉ số "mềm" góp phần xây dựng hình ảnh, tạo nên "uy tín, vị thế" của đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét