Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đè nghị cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; nắm bắt kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ…, trọng tâm là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo.
Chiều 30/12, Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy
Hà Nội (khóa XVII) về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025” tổ chức Hội nghị đánh giá
kết quả công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư
Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình số
10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Ngay sau khi ban hành, Thành ủy, Ban Chỉ đạo
chương trình đã quán triệt, triển khai việc thực hiện đến các cấp ủy, các ban,
sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; huy động sức mạnh tổng hợp của cả
hệ thống chính trị, của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực... Ban Chỉ đạo đã phân công từng thành viên Ban Chỉ
đạo chủ trì xây dựng 15 chuyên đề trên các lĩnh vực, thể hiện quyết tâm chính
trị cao, cách làm bài bản, khoa học, chặt chẽ của Thành ủy trong công tác
phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, nghiêm
túc để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong
công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xử lý nghiêm các trường hợp sai
phạm, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định
của pháp luật.
Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, tiến hành
kiểm tra 12 đơn vị, địa phương; tiến hành khảo sát, đánh giá thực hiện Đề án số
56-ĐA/BCĐ, ngày 25-11-2019, của Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy
(khóa XVI) về "Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng
tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết
công việc trên địa bàn thành phố Hà Nội" đối với 7 đơn vị nhằm tuyên
truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao vai trò, trách
nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế...
Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã phối hợp liên ngành
giải quyết tốt các vụ án, nhất là đã đưa ra xét xử 7/9 vụ án do Trung ương phân
công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố giữ quyền công tố, Tòa án nhân dân thành
phố xét xử sơ thẩm; tập trung giải quyết 1/7 vụ án, vụ việc thuộc diện Thường
trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo; 3/8 vụ án, vụ việc giao Ban Nội chính Thành ủy
theo dõi, đôn đốc.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy
Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo đã
đạt được trong năm 2021. Qua đó, đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị, của toàn thể nhân dân Thủ đô trong công tác đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại, Trưởng ban Chỉ đạo Chương
trình số 10-CTr/TU đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí nhằm thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ thị của trung ương
trong lĩnh vực này.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đề
nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh
công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được
thành phố ban hành về cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt
động của chính quyền giai đoạn 2021-2025. Song hành với việc rà soát, sắp xếp,
kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố,
các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án số
56-ĐA/BCĐ; thực hiện có hiệu quả 15 chuyên đề của Chương trình số 10-CTr/TU.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị đẩy mạnh công tác kiểm
tra, giám sát, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm
trọng, phức tạp trên địa bàn thành phố; kiểm tra việc thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí đối với một số dự án trọng điểm thuộc thành phố. Cùng với đó,
cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã
hội; nắm bắt kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ…, trọng
tâm là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành
ủy trực tiếp chỉ đạo.
* Chiều cùng ngày, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn
Thị Tuyến chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư
pháp Thành ủy Hà Nội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Năm 2021, tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt cao (đạt 87,7%).
Các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được khám phá nhanh (đạt
98,3%); tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 91,2%; tỷ lệ kết thúc
các vụ án đạt 85% và đều vượt chỉ tiêu Quốc hội, Bộ Công an đề ra. Tỷ lệ truy
tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%); truy tố đúng tội danh đạt 99,97% (vượt
4,97%); tỷ lệ kháng nghị hình sự được tòa án phúc thẩm xét xử chấp nhận đạt 80%
(vượt 10%); tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 99,48% (vượt 9,48%). Toà án nhân
dân hai cấp thành phố đã giải quyết được 27.513 vụ việc, trong đó có nhiều vụ
án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Đối với công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, Cơ quan
Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, giải quyết 416 đơn (334
đơn khiếu nại và 82 đơn tố cáo). Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố đã
tiếp nhận 795 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 6.957 đơn, đã phân
loại và giải quyết 100% đơn tiếp nhận. Tòa án nhân dân hai cấp thành phố đã
tiếp nhận 811 đơn khiếu nại, tố cáo và đã giải quyết 535 đơn…
Tại hội nghị, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi,
thảo luận, phân tích những kết quả đạt được trong năm 2021, những tồn tại, hạn
chế, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Các đại biểu
đánh giá, việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn nhiều vướng mắc, nhiều
thủ tục, mất nhiều thời gian; công tác trưng cầu giám định tại các cơ quan
chuyên môn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án; công tác
thi hành án dân sự còn chưa đạt chỉ tiêu... Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Cải cách
tư pháp Thành ủy đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà
Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, trong năm 2022, các cấp, các ngành tiếp tục tổ
chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 208-KH/TU của
Thành ủy về triển khai Kết luận số 84-KL/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải
cách tư pháp; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị
quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và các quy định của pháp
luật có liên quan đến hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét