Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Tính chất mới của thời đại ngày nay

 


Luôn nhất quán với quan điểm mác - xít về tính chất của thời đại mới, thời đại ngày nay, Đảng ta khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là thắng lợi mở đầu của chủ nghĩa xã hội và cũng là mở đầu thời đại mới mà nội dung cơ bản và tính chất của nó đã được xác định là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Tính chất ấy của thời đại đến nay vẫn không hề thay đổi.

Trước tổn thất lớn của phong trào cách mạng thế giới: sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, dẫn đến thoái trào tạm thời của chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã phân tích cụ thể, đánh giá đúng tình hình và đưa ra nhận định: Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội[1].

Cùng với sự khẳng định tính chất không thay đổi của thời đại ngày nay, Đảng ta chỉ rõ: Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử[2].

 Để có thêm cơ sở đưa ra nhận định về tính chất của thời đại ngày nay, Đảng ta đã xuất phát từ thực tiễn lịch sử: Thời đại phong kiến ở châu Âu hình thành, phát triển sau gần 200 năm mới thay đổi được hoàn toàn chế độ nô lệ; thời đại quá độ từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản chủ nghĩa, nếu tính từ cách mạng tư sản Anh đến cách mạng tư sản Pháp và cả châu Âu cũng diễn ra khoảng 200 năm. Từ đó, Đảng ta rút ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, là thời đại mà chế độ xã hội khác hoàn toàn về chất so với các chế độ xã hội trước đó trong lịch sử, thì đương nhiên sẽ rất lâu dài và hết sức quanh co, phức tạp.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H. 1996, tr.76.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb CTQG, Hà Nội, 1991, tr.8.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét