Để “chứng minh”
rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lãnh đạo kinh tế”, một số người xuyên
tạc đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta, họ cho rằng “không có nền kinh tế
nào là nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”;
“KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau,
loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý
chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu
thuẫn”...
Có lẽ những
người nói trên đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất của cơ chế thị
trường và những khuyết tật của KTTT. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế
hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh
tranh, quy luật cung-cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các
phạm trù và quy luật của KTTT.
Các phạm trù,
quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản (CNTB), được CNTB nắm lấy, sử dụng để
phát triển thành KTTT tư bản chủ nghĩa. Trải qua thời gian,
KTTT tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi
mới ra đời, KTTT tư bản chủ nghĩa là KTTT tự do cạnh tranh, chưa
có sự can thiệp của nhà nước.
Sự điều tiết của
“bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là
các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nảy sinh ra nhiều khuyết tật của cơ chế
thị trường, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước.
Ngày nay, nền
KTTT hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có
sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường,
vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết của
thị trường là cơ sở, nền tảng và điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng
điều tiết của thị trường (công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là
luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).
Thực tế cho
thấy, KTTT có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới không phải hoàn
toàn giống nhau, mà có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp
và nội dung, định hướng can thiệp của nhà nước.
Có mô hình KTTT
tự do ở những nước mức độ can thiệp của nhà nước vào kinh tế thấp; nhà nước chỉ
bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, tự do kinh doanh, bảo đảm trật tự, ổn định
xã hội, còn để phạm vi điều tiết của thị trường lớn, điều tiết mọi hoạt động
kinh tế.
Có mô hình KTTT
xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để tạo cơ hội như nhau cho mọi người
tham gia phát triển và hưởng thành quả phát triển, chống lại độc quyền, phát
triển kinh tế theo định hướng xã hội (như ở Đức).
Có mô hình KTTT
phúc lợi xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết thu nhập, phát
triển các dịch vụ xã hội công, bảo đảm phúc lợi cho người dân, đặc biệt là
những người cần được trợ giúp là trẻ em, người già, người thất nghiệp... (như ở
các nước Bắc Âu). Có mô hình KTTT nhà nước phát triển, nhà nước không chỉ tạo
thể chế, môi trường cho các chủ thể kinh tế hoạt động, mà còn có chiến lược,
chính sách và sử dụng các nguồn lực kinh tế của nhà nước để định hướng và thúc
đẩy sự phát triển của nền kinh tế (như ở Nhật Bản, Hàn Quốc)...
Phát triển KTTT
định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
nhằm hạn chế những khuyết tật của KTTT. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo
đảm bởi vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo, được thể hiện ở hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch để tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận
lợi, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững; gắn kết phát triển kinh
tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với
trình độ phát triển kinh tế; thể hiện ở quan hệ phân phối để mọi người đều được
hưởng thành quả phát triển đất nước.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là mô hình KTTT định hướng XHCN. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét