Chủ
quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới
hết sức quan tâm, nhất là thời gian gần đây. Một số quốc gia xác định đây là
nội dung quan trọng trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đất
nước. Tại Việt Nam, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng tuy còn khá
mới mẻ nhưng được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, với mục tiêu đề ra là bảo
đảm tốt nhất an ninh con người, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Từ những diễn biến phức
tạp thời gian qua, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã và đang
được nhiều nước hết sức coi trọng, từ đó ban hành những chính sách, biện pháp
quản lý, kiểm soát phù hợp. Tại Việt Nam, từ năm 2018, Luật An ninh mạng được
ban hành, trong đó xác định “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không
gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội,
quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “Không gian mạng
quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát”. Trước
nguy cơ đe dọa chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và bảo đảm an ninh mạng,
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW,ngày 25/7/2018 về “Chiến lược
bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về
“Chiến lược An ninh mạng quốc gia”… Các văn kiện nêu trên thể hiện rõ quan điểm
của Đảng, Nhà nước ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, xác định
bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Phát
biểu kết luận tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc
gia ngày 7/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Bảo đảm an toàn, an ninh
mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030
theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là một trong những nhiệm vụ quan trọng
trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh
quốc gia. Bảo vệ an ninh mạng là cấu thành trọng yếu của hoạt động bảo vệ an
ninh quốc gia. Các thông tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước, công kích chế độ, kích động, chia rẽ khối đại đoàn
kết dân tộc,… cần phải được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Các quốc gia, cá
nhân, pháp nhân, tổ chức khác phải tôn trọng thể chế, pháp luật quốc gia trên
không gian mạng. Việt Nam là một trong số
20 quốc gia có người sử dụng internet cao trên thế giới, với hơn 68 triệu tài
khoản mạng xã hội Facebook, 70 triệu người sử dụng internet và 154 triệu thiết
bị kết nối internet có tỷ lệ truy cập hằng ngày chiếm 94%. Tuy nhiên, Việt Nam
cũng nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều bởi các thách thức an
ninh mạng. Không gian mạng trở thành nơi mà một số đối tượng chống đối đang lợi
dụng để thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch, tin giả nhằm chống phá Đảng,
Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhằm thực hiện âm mưu
chiến lược “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ, kích động biểu tình, bạo loạn, móc nối trong ngoài và tập hợp lực
lượng nhằm lật đổ chính quyền. Các tổ chức mà Bộ Công an liệt kê vào danh sách
là tổ chức khủng bố như “Việt Tân”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm Thời”,
“Triều Đại Việt”,… thời gian qua thường xuyên tiến hành các hoạt động trên
không gian mạng nhằm chống phá chính quyền, tổ chức, chỉ đạo hoạt động khủng
bố, tài trợ hoạt động khủng bố…, tiêu biểu như vụ gây nổ tại trụ sở Cục Thuế
tỉnh Bình Dương vào ngày 30/9/2019. Những hành vi nêu trên gây hoang mang trong
quần chúng nhân dân, nếu không kiểm soát kịp thời sẽ gây hậu quả rất nghiêm
trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và sự ổn định của chế độ chính trị. Sự
phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ tạo ra thuận lợi, thời cơ cho đất
nước ta đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,
với những mục tiêu như xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Tuy
nhiên bên cạnh thời cơ, những thách thức, mối đe dọa từ không gian mạng đối với
chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia cũng không ngừng gia tăng. Trong
giai đoạn 2010-2021, với việc sử dụng hơn 8.784 web, blog có tên miền nước
ngoài, 381 web, blog có tên miền trong nước, các lực lượng chống đối đã phát
tán hơn 60.000 bản tin, bài viết nhằm bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích
động biểu tình trên không gian mạng… nhưng đã bị lực lượng an ninh mạng của
Việt Nam xử lý và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, lực lượng chức năng của Việt
Nam cũng đã phát hiện hơn 80% số vụ lộ bí mật nhà nước là qua hệ thống thông
tin. Để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ hệ thống thông
tin trọng yếu của quốc gia và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ cả trong thời bình cũng như thời chiến, thời gian qua, lực lượng tác
chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm nòng cốt đã có sự kết
hợp chặt chẽ với lực lượng tác chiến không gian mạng, công nghệ thông tin trong
khối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Lực
lượng này đã chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình an ninh mạng
trong nước và thế giới; kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh phòng, chống gián
điệp mạng nước ngoài, triển khai các giải pháp bảo vệ an ninh hệ thống mạng
thông tin trọng yếu quốc gia; phòng, chống tấn công mạng; vô hiệu hóa các hoạt
động chống phá trên không gian mạng; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi
phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng mạng internet và thông tin trên
mạng. Giai đoạn tới, dự báo tình hình diễn biến trên không gian mạng diễn ra
hết sức phức tạp. Do đó để chủ động ứng phó, tác chiến trong mọi tình huống
nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng, lực
lượng tác chiến trên không gian mạng, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống
tội phạm công nghệ cao cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị
quyết, Chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và An ninh mạng
quốc gia, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ
Chính trị. Ngoài ra, các lực lượng chiến đấu và các cấp ủy, chính quyền, đoàn
thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và toàn xã hội cần nhận thức rõ
vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ
an ninh mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kịp thời nhận diện các
âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá và tội phạm trên không gian mạng; trên cơ
sở đó chủ động tạo ra sức đề kháng trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc,
kích động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu; luôn đề cao trách
nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động bảo vệ an
ninh thông tin đối với hệ thống thông tin được giao phụ trách; xây dựng thế
trận chiến tranh nhân dân, an ninh nhân dân trên không gian mạng, huy động sức mạnh
của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nhân dân để bảo vệ chủ quyền quốc
gia trên không gian mạng, vô hiệu hóa các luận điệu phản động trên không gian
mạng; khẩn trương hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm
thi hành Luật An ninh mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình tự, thủ tục, thẩm
quyền thu thập chứng cứ từ nguồn điện tử và biện pháp điều tra tố tụng đặc
biệt; kịp thời ban hành những quy định pháp luật quản lý “tiền ảo”, “tài sản
ảo”, các loại thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông, trò chơi trực tuyến trái pháp
luật. Việc nhận thức và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần được
quán triệt đến mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức nghiên cứu khoa học, bài bản để
từng bước hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét