GS Carlyle Thayer là nhà nghiên cứu thường xuyên theo dõi sát sao các vấn đề liên quan tới Việt Nam, nhất là giai đoạn từ sau năm 1975. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, vị học giả người Australia đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có lối sống giản dị, trọn đời cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Ấn tượng về một nhà lãnh đạo gần gũi, trí tuệ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu (trong đó có GS Carlyle Thayer, hàng thứ hai, ngoài cùng, bên phải) tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, tháng 12-2016. Ảnh: education.vnu.edu.vn 

GS Carlyle Thayer từng có cơ hội được trực tiếp gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây gần một thập niên. Đó là khi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam gặp gỡ các học giả trong và ngoài nước tại trụ sở Trung ương Đảng nhân dịp Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức vào tháng 12-2016 tại thủ đô Hà Nội. "Tôi đã được mời tham dự cuộc gặp để trao đổi quan điểm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi tôi bước vào phòng tiếp khách và đang đi về phía chỗ ngồi thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến lại gần, đích thân chào mừng tôi tham dự cuộc gặp. Ông có nói là tôi được nhiều người ở Việt Nam biết đến thông qua các cuộc phỏng vấn trên truyền thông. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người gần gũi, ăn nói nhỏ nhẹ, tạo cho tôi cảm giác thoải mái khi trò chuyện. Tại cuộc gặp gỡ khi đó, ông đã thể hiện là người có trí tuệ, hiểu rõ các vấn đề chính sách khác nhau", GS Carlyle Thayer nhấn mạnh.

Gần 60 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Ngày 19-7-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần do tuổi cao bệnh nặng, là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. GS Carlyle Thayer nhận định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, để lại 3 di sản quan trọng cho Việt Nam về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chính sách đối ngoại.

Vị học giả người Australia khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là "mục tiêu trọn đời" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; quy định những điều đảng viên không được làm; nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...

Theo GS Carlyle Thayer, chiến dịch "đốt lò" của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã thực hiện đúng quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào" trong công cuộc "đốt lò".

GS Carlyle Thayer lưu ý tới đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để vai trò của Tổng Bí thư và Đảng Cộng sản Việt Nam được công nhận chính thức trong quan hệ quốc tế. Trước đây, các nước phương Tây không có quan hệ trên kênh đảng cầm quyền với các nước xã hội chủ nghĩa do chế độ chính trị khác nhau, không có chức danh tương đương. Thế nhưng, điều này đã thay đổi thông qua các chuyến thăm mang tính đột phá khi lần đầu tiên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Anh vào năm 2013, Hoa Kỳ và Nhật Bản vào năm 2015. "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo tiền lệ khi mời và tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 9-2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy ngoại giao "cây tre Việt Nam" theo đúng phương châm "độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển". Thay vì bị rơi vào quỹ đạo của các cường quốc, Việt Nam đã giữ được độc lập, tự chủ và còn nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với hàng loạt quốc gia", GS Carlyle Thayer nêu rõ.