Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, mở ra cơ hội, thách thức cho việc giao lưu, tiếp biến văn hóa của Việt Nam và thế giới. Cùng với các giá trị tích cực thì những ấn phẩm độc hại, biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa và tác hại của nó cần được nhận diện để có giải pháp đấu tranh, bác bỏ.
Sự nguy hại của biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, tạo dựng môi trường và không gian xã hội mới, xóa nhòa khoảng cách về không gian, thời gian và địa vị xã hội của mỗi con người; tạo ra sự giao lưu, tiếp biến văn hóa khác hẳn về chất trên tất cả các lĩnh vực, với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet thuộc tốp đứng đầu thế giới1, không gian mạng được sử dụng để tương tác trong học tập, lao động, giao tiếp, giải trí của người dân đã trở nên phổ biến và quen thuộc. Chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức tiếp cận khối lượng khổng lồ các sản phẩm văn hóa của nhân loại bao gồm cả sản phẩm có giá trị văn hóa và phản văn hóa. Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Song, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự kết nối xuyên “biên giới” trên không gian mạng, việc giao lưu, tiếp biến văn hóa vẫn còn những lệch lạc, biểu hiện ở hiện tượng “sùng ngoại” và “lai căng” văn hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến thời kỳ hội nhập.
“Sùng ngoại” trong văn hóa có thể hiểu là sự đánh giá thái quá những yếu tố, sản phẩm, giá trị của nước ngoài; từ đó, dẫn đến cuồng tín, tôn sùng, theo đuổi trong nhận thức và hành động, hạ thấp, coi thường các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước. Còn “lai căng” văn hóa là sự tiếp thu sản phẩm, giá trị văn hóa nước ngoài trên không gian mạng để pha trộn, gán ghép một cách gượng ép, tùy tiện với các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước theo kiểu “dở tây dở ta”, hay nói cách khác, đó là sự bắt chước nước ngoài không có chọn lọc, gây phản cảm.
“Sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trên không gian mạng như những virus “văn hóa độc hại” lây lan, tác động to lớn đến con người và xã hội Việt Nam. Nó cổ súy cho lối sống dân chủ, thể chế chính trị tư sản phương Tây. Những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa theo khuynh hướng xã hội công nghiệp hiện đại và mặt trái của kinh tế thị trường, như: chủ nghĩa thực dụng, đề cao cá nhân, lối sống hưởng thụ, tôn thờ tiền bạc thái quá, thị hiếu thấp kém,… đi ngược lại với giá trị văn hóa truyền thống, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Không chỉ vậy, nó còn làm cho những giá trị đạo đức cốt lõi bị lung lay, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhất là của giới trẻ hiện nay, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy trong xã hội, làm cho nhiều người dễ dao động, buông xuôi trước sự tấn công của văn hóa ngoại lai xấu độc, gây khủng hoảng niềm tin, mất phương hướng trong lựa chọn các giá trị, lối sống, v.v. Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) chỉ rõ: “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc”.
Kiên quyết đấu tranh, bác bỏ biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa
Để giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, một mặt phải không ngừng chăm lo, xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp, mặt khác cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trên không gian mạng theo tinh thần: “Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại”2.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam là tất yếu khách quan, song sự du nhập, “lai căng” văn hóa từ bên ngoài đối với từng quốc gia cũng khác nhau. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng các thiết chế quản lý văn hóa của mỗi nước. Vì thế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa nói chung và trên không gian mạng nói riêng là vấn đề rất quan trọng. Đây là những cơ sở pháp lý cần thiết để các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm về văn hóa. Theo đó, cùng với quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về văn hóa, cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý về văn hóa, quản lý văn hóa ở tất cả các cấp. Đồng thời, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho bản sắc văn hóa dân tộc phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập mà không hòa tan. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống thông tin quốc gia, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh, trật tự và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trên không gian mạng. Tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, nguồn tài nguyên, dịch vụ văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên không gian mạng.
Thực tiễn hoạt động văn hóa ở từng địa phương, lĩnh vực và cả nước cho thấy, tuy cùng chịu sự tác động của văn hóa ngoại lai, nhưng ở đâu có môi trường văn hóa tốt hơn thì ở đó sự “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa sẽ ít hơn và việc đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện này cũng dễ dàng hơn và ngược lại. Vì thế, để nâng cao sức đề kháng của nhân dân trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai độc hại cần phải xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh. Để làm được điều đó, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa với các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể trong từng lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, báo chí và truyền thông, tôn giáo và tín ngưỡng; trong gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội,... nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử của từng cá nhân. Khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có; thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng xã hội, hướng tới những giá trị cao đẹp, “chân, thiện, mỹ”. Thực hiện tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng trong việc thực hiện quy chế, chuẩn mực đạo đức, thực sự là tấm gương sáng, là hạt nhân trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, đẩy mạnh đấu tranh bác bỏ các hiện tượng văn hóa độc hại, biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa, nhất là trên không gian mạng ở ngay mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình. Quá trình đấu tranh cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhân tố quyết định, “chống” là quan trọng.
Trong dòng chảy phát triển của nhân loại, việc giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc như là một lẽ đương nhiên và không một quốc gia nào có thể đứng ngoài dòng chảy đó. Trong bối cảnh ấy, cùng với các giải pháp khác, việc sử dụng sức mạnh nội sinh của văn hóa nước nhà để ngăn chặn, giảm thiểu,... sự tác động của văn hóa ngoại lai xấu độc là vấn đề cần được chú trọng. Vì thế, cần chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu tiềm năng đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với thế giới. Trong hội nhập cần phát huy bản lĩnh văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết hài hòa mối quan hệ văn hóa với chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh với các nước và cộng đồng quốc tế; kiên quyết chống sự áp đặt, đồng hóa về văn hóa từ các nước lớn.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão, kéo theo đó là sự phát triển của không gian mạng cùng sự giao thoa, tiếp biến văn hóa khổng lồ đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, để nâng cao hiệu quả đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục, các cấp, ngành, lực lượng, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong công tác quản lý nhà nước và trong thực hiện các nhiệm vụ. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm của Việt Nam trên không gian mạng, tiến tới đủ năng lực bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ an ninh mạng và làm chủ không gian mạng. Triển khai xây dựng phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp gắn với xây dựng các quy chế phối hợp và các giải pháp kỹ thuật trong kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nước ta từ mạng internet, các thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động. Xây dựng quy chế phối hợp với các hãng công nghệ nước ngoài như Google, Youtube xóa bỏ các kênh thông tin xấu, độc, không phù hợp với văn hóa nước ta. Biểu dương, khen thưởng những điển hình tốt, gương tiêu biểu trong giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa và trong công tác phòng, chống, bài trừ, phê phán các sản phẩm văn hóa “sùng ngoại”, “lai căng”; kịp thời xử lý nghiêm minh, những tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét