Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước đã phong tặng, truy tặng gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hiện giờ, chỉ 2.412 mẹ còn sống, được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Và rồi theo quy luật trời đất, sẽ đến ngày nào đó chúng ta không còn được nấu cơm, ăn cơm cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng nữa. Cũng vậy, những bà mẹ của liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến sẽ dần ít đi... Điều này càng làm cho những bữa cơm hiện tại trở nên quý giá và đáng trân trọng hơn bao giờ hết.

Bữa cơm cùng Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Tuổi trẻ huyện Thạch Thất đã đi chợ, nấu ăn và có bữa cơm ấm áp bên mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tàu. Ảnh: Tuoitrethudo.vn

Chứng kiến cuộc sống của thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong thời bình, chúng ta thường bắt gặp những khoảnh khắc cảm động như có em nhỏ bày tỏ niềm ước ao bố trở về để đưa đi khai giảng năm học mới. Bởi vì bố em đã hy sinh khi đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân vùng bão lũ, sạt lở đất... Những bữa cơm gia đình của em không bao giờ có bố ngồi bên cạnh mẹ và các con nữa. Điều ước giản dị đó với em nhỏ là một sự thiêng liêng và nhắc nhở chúng ta hãy làm mọi điều có thể, dù là nhỏ nhất, để thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng của mình với những người đã hy sinh.

 Bữa cơm cùng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những hành động, việc làm thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng chính sách là giá trị tinh thần quý giá, mang đến niềm vui, sự chia sẻ, cảm thông và lòng biết ơn chân thành của cộng đồng. Và hơn tất cả, đó là sự đồng hành, tiếp bước của những người đang sống với lý tưởng, niềm tin được trao truyền qua nhiều thế hệ.

TRẦN HOÀI

nguồn báo quân đội nhân dân