Những ngày qua, toàn Đảng, toàn dân ta thương tiếc tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Có chứng kiến tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với đồng chí Tổng Bí thư mới thấy hết giá trị của hai từ "cống hiến".
1. Mỗi con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành đều có những bổn phận, trách nhiệm. Đối với cán bộ, đảng viên, ngoài con người xã hội, mỗi đồng chí còn là người cộng sản. Khi đọc lời thề trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thì chính là lúc chúng ta đã chọn lựa con đường của sự cống hiến và chịu sự ràng buộc của trách nhiệm thiêng liêng ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta hiểu rằng vào Đảng, làm cán bộ trước hết là để cống hiến phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, vì: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Cho nên, cống hiến chính là lẽ sống của người đảng viên.
Người nào nỗ lực trở thành cán bộ mà không tận tâm cống hiến, chỉ chăm chăm thu vén lợi ích cá nhân, thỏa mãn sự tham lam vật chất, hưởng thụ là trái với đạo đức cách mạng và sai cả về luân thường đạo lý. Và đương nhiên, khi đã phạm vào những giá trị căn bản đó thì cũng đồng nghĩa đã đánh mất danh dự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết một điều và trở thành chân lý: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Do đó, cống hiến là giá trị đạo đức, cũng chính là danh dự của cán bộ, đảng viên.
Thực tế đã chứng minh, không ít người quyền cao, chức trọng, nhưng vì tham lam dẫn đến tham ô, tham nhũng để rồi bị kỷ luật, bị cách chức, phải vào tù. Những người đó hẳn có lúc phải nhìn lại cuộc đời mà hối hận vì đã không coi trọng giá trị của tinh thần cống hiến, không xác định cống hiến là lẽ sống, là danh dự. Sự mất mát của người xa rời tinh thần cống hiến khi mang sứ mệnh phải cống hiến là vô cùng lớn. Không chỉ mất chức tước, danh dự, phẩm giá, với người đã rơi vào vòng lao lý thì ngay cả ước mơ nhỏ nhoi về tự do, về một ngày bình yên đơn sơ giản dị cũng trở nên xa vời. Ngay cả những cán bộ, đảng viên chưa đến mức phải trả giá đắt như vậy, nhưng một khi không nỗ lực cống hiến vì cái chung mà nặng về chủ nghĩa cá nhân cũng thường phải chịu những hệ quả đáng tiếc, bị xã hội lên án, bị nhân dân khinh bỉ.
Thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả những người giữ chức vụ cao chưa thực hiện tốt trách nhiệm cống hiến vì cái chung, còn để lại hệ lụy tiêu cực rất to lớn cho xã hội, cho đất nước, cho Đảng. Con số thất thoát ngân sách nhà nước do tham ô, tham nhũng, lãng phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng chỉ là một phần. Đó còn là những công trình hạ tầng đầu tư kém chất lượng, vừa nghiệm thu đã hỏng hóc, xuống cấp; là những chính sách xa rời thực tiễn, thủ tục hành chính nhiêu khê, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; là sự vô cảm trước nhu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân; là dễ làm, khó bỏ, làm qua quýt, qua loa, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc chung bị đình trệ, lỡ thời cơ phát triển... Đó còn là tình trạng cán bộ thu mình thủ thế chờ thời, cục bộ, bè phái, “thân quen, cánh hẩu”, “nhóm lợi ích”... với những tác động tiêu cực về niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Những biểu hiện đi trái với trách nhiệm, lý tưởng cống hiến ấy đã được Trung ương Đảng chỉ rõ qua 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
2. Khơi dậy tinh thần và trách nhiệm cống hiến là việc có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Đây là giải pháp xây dựng đạo đức, xây dựng văn hóa trong Đảng; là giải pháp hàng đầu để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự "là đạo đức, là văn minh".
Để làm được việc này cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp cả ở vĩ mô và cụ thể tại mỗi tổ chức Đảng. Với các cấp ủy tổ chức Đảng, ngay lúc này cần bắt tay triển khai giải pháp mang lợi ích lớn là tổ chức đợt học tập tấm gương cống hiến trọn đời vì nước, vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong 80 năm cuộc đời và gần 60 phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tấm gương sáng và “mãnh liệt truyền cảm hứng” về tinh thần cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì lý tưởng của Đảng, vì sự trường tồn của đất nước, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Soi chiếu con người mình vào tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nhận rõ ý nghĩa của cuộc sống, nhất là giá trị của trách nhiệm cống hiến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến nhân vật Pavel Korchagin, nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai A.Ostrovky với tuyên ngôn về lý tưởng sống cao đẹp. Và đồng chí khẳng định: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân!”.
Thiết nghĩ, nếu mỗi chi bộ ngay trong đợt sinh hoạt thường kỳ đầu tháng 8-2024 này bắt đầu ngay với chủ đề nghiên cứu và làm theo gương cống hiến trọn đời vì nước, vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ. Đồng thời với những cách làm sáng tạo, các cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi kể chuyện thời sự chính trị gắn với những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó sẽ có tác dụng nâng cao nhận thức, thức tỉnh nhân tâm trong Đảng, trong dân và nhân lên những giá trị chân - thiện - mỹ trong xã hội.
Bên cạnh đó, một giải pháp có tính căn cơ, mấu chốt để cán bộ, đảng viên làm tròn phận sự, trách nhiệm của mình là cấp ủy tổ chức Đảng phải không ngừng tăng cường kỷ cương, kỷ luật; trọng tâm là tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ, khắc phục triệt để tình trạng cào bằng; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa vi phạm từ sớm, từ xa; đặc biệt phải coi trọng ý kiến của nhân dân, phát huy vai trò tai mắt của nhân dân, thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Dẫu vậy, sự tự giác nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên vẫn là yếu tố quyết định. Bởi chỉ có bản thân người cán bộ, đảng viên mới thực sự kiểm soát được ý nghĩ, hành động của chính mình. Lựa chọn học tập tấm gương đạo đức sáng ngời như Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo tiền bối khác chính là cách học tập, rèn luyện nhanh nhất và khả thi nhất./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét