Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

CUỐN SÁCH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG GIÚP CHÚNG TA ĐỊNH HƯỚNG, ĐỊNH VỊ RÕ HƠN VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA

 Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được tập hợp từ 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bao trùm, tổng quát toàn bộ cuốn sách là những tư tưởng, quan điểm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt của văn hóa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tổng Bí thư đưa ra luận điểm mang tầm nhìn chiến lược, đó là “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Những tư tưởng và quan điểm của Tổng Bí thư về văn hóa giúp chúng ta định hướng, định vị rõ nét hơn về vai trò của văn hóa, từ đó quan tâm, chú trọng và dành nhiều nguồn lực hơn để bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc. Để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra từ năm 1946.
Nước ta hiện nay đang giao lưu, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta có cơ hội để bứt phá, tăng tốc, làm gia tăng quy mô nền kinh tế, mang lại cho nhân dân cuộc sống no đủ, đất nước giàu mạnh. Nhưng những tác động đa chiều của hội nhập quốc tế và mặt trái nền kinh tế thị trường cũng mang đến cho chúng ta những nguy cơ, thách thức trong việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay, tâm lý thực dụng, tư tưởng chạy theo lợi ích vật chất dễ khiến con người lãng quên những giá trị văn hóa tinh thần.
Kinh tế thị trường có thể được ví như là một quả trọng pháo rơi vào trong không gian văn hóa truyền thống. Mà nếu không cẩn thận, những mảnh vụn của nó văng ra sẽ làm sát thương những điều tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng đang tác động dữ dội đến nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Mỗi quốc gia, dân tộc có thể đứng trước nguy cơ bị xâm lăng, xâm lấn về văn hóa, có thể đánh mất chính mình. Khi đã đánh mất chính mình thì không còn là chính mình, không còn phương hướng, không còn xác định được mình là ai, ở đâu, sẽ đi về đâu?
Những giá trị hào nhoáng của vật chất dễ khiến con người chạy theo, học theo và làm theo, coi vật chất là tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá, định vị bản thân trong xã hội. Điều đó dễ dẫn đến lệch chuẩn về văn hóa. Đã có một thời, giới trẻ đua nhau hò hét, khóc ngất, bằng mọi giá để được chạm vào thần tượng, nhìn thấy thần tượng, mà trước đó họ chỉ thấy được trên phim ảnh. Mới đây, nhiều thanh niên đua theo, học theo những nhân vật “giang hồ mạng”. Họ đua nhau học đòi làm các video để đăng tải lên Facebook, Youtube, TikTok... bất chấp những hệ lụy, hệ quả mà những video đó mang lại.
Những video như đốt xe, ăn cá sống, đâm chém, chửi bới với những ngôn ngữ thô tục... lẽ ra phải được loại bỏ, phải được ngăn chặn ngay từ trong nhận thức. Thế nhưng, khi đăng lên mạng xã hội, lại được không ít các bạn trẻ hùa theo, học theo và hưởng ứng. Chỉ cần được nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền, họ sẵn sàng làm tất cả. Trong suy nghĩ, nhận thức của họ, những giá trị văn hóa đang bị biến dạng, lệch chuẩn đến mức báo động.
Sẽ như thế nào nếu cả xã hội chạy theo, học đòi như vậy? Nền văn hóa dân tộc sẽ như thế nào, nếu các hiện tượng đó thành xu hướng mà không được kiểm soát? Thực tế cho thấy, đã xuất hiện những cái gọi là “ảo” trong suy nghĩ, nhận thức và định hướng của một bộ phận thế hệ trẻ. Chiếc la bàn định hướng tư tưởng và nhận thức của họ đã chỉ sai đường, nhưng họ lại cho đó là đúng và tiếp tục lao theo một cách mất phương hướng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Đây là một định hướng hết sức quan trọng. Luận điểm này sẽ có sức hút đủ mạnh để đưa những “la bàn” đang bị lệch hướng, mất phương hướng trở về đúng hướng. Từ đó định vị và dẫn dắt chúng ta biết coi trọng hơn đến đời sống văn hóa, tinh thần, biết sống với nhau có tình, có nghĩa, biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.
Đảng ta đã khẳng định: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã diễn giải về văn hóa rất dễ hiểu: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”.
Sự gắn kết của tập thể hay một cộng đồng, quốc gia dân tộc được tạo dựng từ niềm tin. Nhận thức đúng sẽ có niềm tin đúng. Nhận thức sai dẫn đến niềm tin sai và hành động sai. Trong cuộc sống, mỗi chúng ta tất nhiên cần phải có cơm ăn, áo mặc để tồn tại. Nhưng đừng quên, chúng ta cũng cần có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng. Cán cân bị nghiêng về bên nào nhiều quá cũng không tốt. Cán cân kinh tế - văn hóa nếu được bảo đảm cân bằng sẽ giúp chúng ta có được sự hài hòa trong cuộc sống.
Khi mỗi công dân có cuộc sống khá giả, có đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp thì đó chính là việc tạo dựng thế trận lòng dân, củng cố tiềm lực chính trị tinh thần để sẵn sàng huy động sức dân, tạo sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét