Vào đời vua Hùng thứ sau, sau khi đã trị vì nhiều năm, nhà vua thấy mình tuổi đã cao, sức đã yếu, nên có ý truyền ngôi lại cho con trai. Hiềm một nỗi, các bà vợ lại sinh cho nhà vua tới hai mươi người con, người nào cũng đều khôn lớn trưởng thành cả!
Sau nhiều đêm trăn trở, vua Hùng quyết định mở một cuộc thi tài để chọn người nối ngôi. Nhà vua cho gọi các lang đến, rồi tuyên bố:
– Ta cũng đã sắp sửa gần đất xa trời, nên muốn truyền ngôi lại cho một trong số các con. Bây giờ các con hãy đi tìm hoặc làm một món ăn lạ để cúng tổ tiên. Ai có món ngon nhất, lạ nhất thì ta sẽ cho kế vị ngai vàng.
Nghe Hùng vương phán bảo như vậy, các lang liền cho người đi khắp rừng núi biển sâu tìm kiếm các thức ăn quý báu. Hễ nghe nói ở đâu có món gì lạ, món gì ngon là bọn họ lại tranh nhau tới lùng sục cho kỳ được.
Người buồn nhất là Lang Liêu. Chàng là con thứ mười tám; mẹ chàng trước kia bị vua cha ghẻ lạnh, ốm rồi chết. So với anh em, chàng thiệt thòi nhất. Từ khi lớn lên, ra ở riêng chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai; bây giờ nhìn quanh trong nhà cũng chỉ có khoai, lúa là nhiều. Nhưng khoai, lúa tầm thường quá! Chính vì thế, trong khi các lang khác đi sục sạo khắp chốn tìm kiếm của ngon vật lạ thì Lang Liêu chỉ lủi thủi ở nhà, chưa biết làm cách nào cho đẹp lòng vua cha.
Chỉ còn ba hôm nữa là đến ngày so tài, vậy mà Lang Liêu vẫn chưa có món nào để thi cùng anh em. Đêm hôm đó, chàng vắt tay lên trán, nhớ lại tất cả những bữa ăn ngon mà xưa nay mình từng được tham dự. Chàng nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Trong mơ, Lang Liêu thấy mình vẫn đang loay hoay nghĩ cách. Chợt có một vị tiên nữ từ trên trời bay xuống nói:
– Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Sơn hào hải bị cũng không thể so sánh được với hạt gạo làm ra bằng sức lao động của con người. Sao con không dùng thứ quý giá nhất ấy mà làm ra món ăn tượng trưng cho trời đất, lấy đó làm quà dâng lên tổ tiên và vua cha để tỏ bày lòng hiếu thảo.
Lang Liêu vội quỳ xuống cảm tạ, nhưng vị tiên nữ ấy đã biến mất trong làn khói sương vấn vít.
Rồi chàng bàng hoàng tỉnh giấc, ngồi thừ người ra, ngẫm nghĩ về điều mà tiên nữ đã dạy bảo trong mơ, và cũng nhớ lại mình đã lao động vất vả thế nào mới làm ra được hạt gạo thơm ngon deo ngọt.
Nghĩ mãi rồi cũng ra, Lang Liêu quyết định làm hai thứ bánh tượng trưng cho Trời và Đất để dâng lên Hùng vương. Chàng đi vo gạo nếp, đãi đậu xanh, mổ lợn lấy chỗ thịt ngon nhất, đi hái những tàu lá dong tươi xanh nhất mang về. Sau đó, lấy lá dong gói thành thứ bánh hình vuông màu xanh, tượng trưng cho Đất, bên trong bỏ thịt, đỗ để tỏ ý trong đất có muông thú, cỏ cây…
Rồi chàng lại lấy nếp thơm đồ lên cho dẻo, giã nhuyễn ra làm thành một thứ bánh màu trắng, hình tròn, tượng trưng cho Trời.
Đến ngày lễ Tiên vương, dân chúng khắp nơi đổ về kinh đô Phong Châu để xem ai là người sẽ lên ngôi vua đông nghịt. Các lang lần lượt dâng lên Hùng vương những món ăn quý giá mà họ đã vất vả tìm kiếm. Thôi thì đủ cả, nào là các loại sơn hào như nem công, chả phượng, tay gấu, gan tê, v.v… cho tới các loại hải vị được chế biến cầu kỳ từ yến sào, vi cá, hải trư, đẹn biển, v.v… Lại có cả người dâng lên thứ mỹ tửu đáng giá nghìn vàng mua được từ phương Bắc xa xôi.
Vua Hùng nếm hết các món ăn và trầm trồ cùng bá quan trước sự cầu kỳ của các con. Song dường như chưa có món nào đặc sắc khiến nhà vua hoàn toàn mãn nguyện, để có thể truyền ngôi cho người làm ra nó.
Các lang đều đã dâng món ăn lên vua cha, chỉ có mình Lang Liêu là vẫn còn ngại ngùng, do dự chỉ vì hai món bánh của chàng so với các thức trân phẩm của họ thì quê mùa quá. Mãi đến khi Hùng vương gọi tên, chàng mới bê hai mâm bánh dâng lên.
Vua Hùng vừa nếm thử món bánh lạ của người con thứ mười tám thì hết sức ngạc nhiên trước hương vị đặc biệt của nó. Nhà vua lật lên lật xuống, ngắm kỹ càng những tấm bánh còn chưa bóc, rồi cho đòi Lang Liêu lên hỏi rõ cách thức làm bánh thế nào.
Lang Liêu quỳ xuống tâu lên ý nghĩa của hai thứ bánh làm theo ý Trời tròn – Đất vuông. Đồng thời chàng cũng không quên kể cho Hùng vương nghe về giấc mộng hôm trước.
Quá trưa hôm đó, sau khi lễ tạ xong Tiên vương, vua cho đem bánh ra ăn cùng với quần thần. Ai cũng tấm tắc khen ngon.
Vua họp mọi người lại nói:
Quá trưa hôm đó, vua Hùng cho gọi tất cả các hoàng tử, công chúa cùng bá quan đến và tuyên bố rằng chàng Liêu, người con thứ mười tám sẽ được truyền ngôi báu. Vua cầm hai thứ bánh lên và nói:
– Hai món bánh này xứng đáng đứng đầu trong các thứ cỗ! Nó bày tỏ lòng hiếu thảo của con người, tôn kính cha mẹ như trời đất, nó chứa tấm tình yêu mến quê hương đồng ruộng. Hơn nữa, bánh này còn dễ làm, nguyên liệu không gì khác chính là những hạt ngọc quý nhất của Trời Đất, đó là hạt gạo. Bánh hình tròn là tượng Trời ta đặt tên là bánh giầy. Bánh hình vuông là tượng Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài, ta đặt tên là bánh chưng. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật hợp với ý ta. Lang Liêu sẽ nối ngôi ta, xin Tiên vương chứng giám.
Từ đó trở đi, hàng năm cứ đến ngày Tết, người ta lại làm hau thứ bánh đó để thờ cúng tổ tiên. Đó chính là bánh chưng, bánh giầy. Lang Liêu sau đó lên ngôi, lấy hiệu là Tiết Liêu Vương, tức vua Hùng thứ bảy. Đó là một bậc vua hiền và được trăm họ yêu quý, nể phục./.
Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét