Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn bằng những kết quả rất quan trọng đạt được trong công tác đối ngoại những nhiệm kỳ qua, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương khẳng định.
“Chỉ riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp thực hiện hơn 100 hoạt động đối
ngoại, trong đó có những hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa
lịch sử, tạo nền tảng quan trọng và định hướng lâu dài trong quan hệ giữa Việt
Nam với các nước”, đồng chí Lê Hoài Trung cho biết.
Theo đồng chí Lê Hoài Trung, việc tham gia hơn 100
hoạt động đối ngoại đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con số rất lớn bởi
đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (giai đoạn 2021-2022) là thời kỳ đại dịch Covid-19
hoành hành. “Tuy nhiên, với mỗi hoạt động, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn có sự
chuẩn bị rất kỹ lưỡng và khoa học. Ngoài báo cáo bằng văn bản, có những hoạt
động quan trọng chúng tôi còn đến báo cáo trực tiếp 5-7 lần với đồng chí. Trong
bối cảnh công việc khác còn rất nhiều và sức khỏe không được như mong muốn,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn lắng nghe, nghiên cứu kỹ và sau đó có chỉ
đạo quyết đoán. Đồng chí đã thể hiện sự quyết tâm, tinh thần hết lòng hy sinh
vì công việc. Đó là điều tôi thực sự ấn tượng”, đồng chí Lê Hoài Trung xúc động
chia sẻ.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho
biết, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng suốt gần 3 nhiệm kỳ, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm
đánh giá đúng tình hình, từ đó đề ra những chủ trương kịp thời, đúng đắn. Bộ
Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng về quan hệ
đối ngoại Đảng. Đại hội XI chính thức đề cập lợi ích quốc gia-dân tộc trong văn
kiện và đến Đại hội XIII khẳng định “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc
trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp
quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”; Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin
cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng tầm đối ngoại
đa phương...
Đặc biệt, Đại hội XIII lần đầu tiên nêu chủ trương
xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên cả 3 trụ cột là đối ngoại
Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đây là một chủ trương mới,
phản ánh sự trưởng thành của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là
yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với công tác đối ngoại của
đất nước. Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9-1-2023 của Bộ Chính trị xác định đối
ngoại Đảng đóng vai trò nòng cốt trong định hướng chiến lược chủ trương, đường
lối đối ngoại; phát triển quan hệ tốt đẹp với các chính đảng, góp phần xây
dựng, củng cố nền tảng chính trị, tạo thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với
các nước và các đối tác. “Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có quan hệ với gần 260
đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó 70-80% là đảng cộng sản, đảng cầm
quyền, đảng tham gia liên minh cầm quyền...”, đồng chí Lê Hoài Trung nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, đối
ngoại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội mà còn là một
động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia-dân tộc; đồng thời phát triển
lý luận và tổng kết thực tiễn về nền đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh
để khẳng định một trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre
Việt Nam”. Theo đồng chí Lê Hoài Trung, những phát biểu, chỉ đạo, nghiên cứu mà
trong đó nhiều nội dung được đưa vào các tác phẩm quan trọng liên quan đến đối
ngoại, xây dựng Đảng, đoàn kết dân tộc, quốc phòng, an ninh... của đồng chí
Tổng Bí thư giúp tạo cách nhìn tổng thể về thế và lực của đất nước, từ đó tạo
cơ sở cho công tác đối ngoại.
Với sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, trong những năm gần đây, tất cả các mặt của đối ngoại như
chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa... đều được mở rộng. Đặc biệt,
đối ngoại góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, giải quyết được các vấn đề về
biên giới lãnh thổ như phân giới cắm mốc, tôn tạo và tăng dày cột mốc biên giới
đất liền với Lào, Campuchia cũng như những cơ chế đàm phán vấn đề trên biển với
các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, giữ vững môi trường hòa bình để
phát triển.
Bên cạnh đó, đối ngoại cũng giúp đề cao những thành
tựu về dân chủ và quyền con người ở Việt Nam, đấu tranh có hiệu quả với những
chính sách, hành động gây bất ổn định về chính trị-xã hội, nhưng vẫn giữ được
quan hệ với các nước. Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển,
chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam chú trọng củng cố quan hệ song phương với các nước láng giềng, thể
hiện qua việc tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau được tăng cường, quan hệ
kinh tế dần đi vào hướng đột phá, phát triển trên các lĩnh vực khác cũng được
thúc đẩy. Gần đây nhất, truyền thông quốc tế liên tục nêu bật việc lãnh đạo của
3 cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nga lần lượt thăm Việt Nam
trong vòng 9 tháng. Đồng thời, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại
giao Tòa thánh Vatican thăm Việt Nam.
Noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để tiếp tục
phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, ngoại giao, đồng chí Lê Hoài Trung
nêu rõ cần quán triệt, thực hiện đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng; tiếp
tục nâng cao hơn nữa công tác nắm tình hình, chất lượng tham mưu, thẩm định, dự
báo chiến lược; chú trọng tổng kết lý luận về đối ngoại trên cơ sở những kinh
nghiệm, thành tựu đạt được trong thời gian qua, phục vụ hiệu quả cho việc tổng
kết 40 năm đổi mới toàn diện đất nước và 5 năm thực hiện đường lối đối ngoại
của Đại hội XIII, từ đó góp phần xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét