Từ chức là phạm trù văn hóa chính trị
phổ biến, một trong những nét văn hóa cơ bản gắn với trách nhiệm thực thi công
vụ của mỗi công chức tại các quốc gia phát triển. Văn hóa từ chức thể hiện lòng
tự trọng, trách nhiệm của người đang nắm giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo
đối với sự nghiệp chung.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới là phải "xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ". Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế, cụ thể hóa quy định về việc từ chức của cán bộ, mới đây nhất là Quy định số 41-QÐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, theo đó "từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận".
Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương,
từ năm 2009 đến năm 2019, cả nước có 2.268 trường hợp từ chức, chủ yếu ở các
địa phương.
Trong số này có 696 cán bộ xin từ chức
để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý (tỷ lệ 30,68%, cụ thể gồm 37 cán bộ các
cơ quan Trung ương, 48 cán bộ cấp tỉnh, 186 cán bộ cấp huyện và 425 cán bộ cấp
xã). Có 755 cán bộ xin từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe
(tỷ lệ 33,28%, trong đó có 299 cán bộ ở các cơ quan Trung ương, 119 cán bộ cấp
tỉnh, 127 cán bộ cấp huyện và 210 cán bộ cấp xã). Có 124 cán bộ xin từ chức do
nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; do
sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của cấp dưới có liên
quan trách nhiệm của mình (tỷ lệ 5,46%, trong đó có tám cán bộ ở các cơ quan
Trung ương, 46 cán bộ cấp tỉnh, 14 cán bộ cấp huyện, 56 cán bộ cấp xã). Có 693
cán bộ xin từ chức vì lý do cá nhân khác (tỷ lệ 30,55%, trong đó có 138 cán bộ
ở các cơ quan Trung ương, 137 cán bộ cấp tỉnh, 123 cán bộ cấp huyện và 295 cán
bộ cấp xã).
Kết quả này thể hiện nhận thức, trách
nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về việc tự nguyện từ
chức ngày càng được nâng cao, góp phần làm tốt công tác điều động, luân chuyển,
bố trí, phân công công tác đối với cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp
thời thay thế cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm của tập
thể lãnh đạo, người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, lý do thực tế để cán bộ xin
từ chức chủ yếu là lý do khách quan. Số cán bộ từ chức do nhận thấy hạn chế về
năng lực, sức khỏe hay không còn uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được
giao chưa nhiều. Số lượng cán bộ từ chức rất ít và chủ yếu là cán bộ ở các địa
phương.
Mặc dù đã có các quy định liên quan đến
việc từ chức của cán bộ, nhưng trong thực tế, việc triển khai còn một số hạn
chế, khó khăn. Ðó là, việc tổ chức thực hiện chưa thống nhất, đồng bộ, vẫn có
địa phương, đơn vị bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh. Một số trường
hợp cán bộ tự nguyện từ chức nhưng chậm được giải quyết, quy trình thủ tục rườm
rà, thiếu cụ thể và chặt chẽ. Tinh thần tự giác kiểm điểm bản thân và tự nguyện
"từ chức" của cán bộ vì lợi ích chung chưa có nhiều. Việc kiểm tra,
giám sát, nhận xét, đánh giá cán bộ còn nể nang dẫn đến việc thiếu căn cứ để đề
xuất thực hiện miễn nhiệm hoặc cho cán bộ từ chức. Người đứng đầu cấp ủy và cơ
quan thường có tâm lý né tránh, chưa quyết tâm vận động, thuyết phục cán bộ
thôi giữ chức vụ hoặc từ chức vì lợi ích chung, nhất là những trường hợp do
năng lực hạn chế hoặc không đủ uy tín để lãnh đạo, quản lý hoặc có sai phạm, khuyết
điểm.
Hiện nay, nhận thức của một bộ phận cấp
ủy, cán bộ, đảng viên về việc từ chức còn hạn chế. Không ít cán bộ có quan điểm
tiêu cực, tâm lý lo lắng, nặng nề về từ chức hoặc do sức ép từ dư luận, gia
đình, bạn bè, đồng nghiệp dẫn đến không dám từ chức. Một số trường hợp thiếu
nhận thức về phần lỗi của mình hoặc cho rằng lỗi đó do tập thể, do cơ chế. Mặt
khác, tiêu chí, quy trình, cơ chế đánh giá cán bộ chưa hiệu quả, còn tình trạng
đánh giá theo cảm tính, dẫn đến thiếu cơ sở rõ ràng để giải quyết việc từ chức.
Việc giải quyết các trường hợp "từ chức" còn có tình trạng nể nang,
ngại va chạm, để cán bộ giữ chức vụ đến hết nhiệm kỳ, sau đó không bổ nhiệm lại
hoặc không giới thiệu ứng cử; hoặc điều động, bổ nhiệm sang giữ chức vụ khác
tương đương hoặc thấp hơn.
Cần những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ
Văn hóa từ chức khi trở thành một vấn đề
bình thường trong công tác cán bộ sẽ bảo đảm đội ngũ cán bộ ngày càng có chất
lượng, góp phần ổn định và phát triển, đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn và giải
quyết tốt các yêu cầu đặt ra. Cùng với các quy định cụ thể về từ chức, cần
triển khai các nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị, tư
tưởng; bổ sung, hoàn thiện thể chế; các giải pháp về công tác cán bộ, công tác
kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác cán bộ.
Tăng cường quán triệt và thực hiện hiệu
quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận 21-KL/TW ngày
25/10/2021 về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW
của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương. Ðẩy mạnh công tác giáo dục chính
trị, tư tưởng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành ý thức dám nghĩ, dám
làm, dám chịu trách nhiệm; nâng cao trách nhiệm, tinh thần, đạo đức công vụ của
cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để
bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý tự nhận thức rằng chức vụ không phải là
có quyền lực và quyền lợi, mà cao hơn là chức vụ đi liền với trách nhiệm, tinh
thần, thái độ cống hiến, hy sinh, vì sự nghiệp chung. Ðẩy mạnh tuyên truyền
trong xã hội về văn hóa từ chức, khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá
cao những người có dũng khí, tự trọng, biết tự nguyện từ chức, định hướng dư
luận xã hội có quan điểm, thái độ tích cực đối với những người tự nguyện từ
chức, để vấn đề "từ chức" trở thành vấn đề tự nhiên, bình thường.
Cần hoàn thiện hệ thống quy chế, quy
định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ, trong đó có việc từ chức của cán bộ,
cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương
với địa phương. Xây dựng hệ thống các văn bản quy định rõ tiêu chuẩn, trách
nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với vị trí lãnh đạo, quản lý làm
cơ sở để đánh giá, theo dõi và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Tuân thủ nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh
đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân
chủ và các nguyên tắc, quy định của Ðảng, pháp luật Nhà nước; cấp ủy, tổ chức
đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong
việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, nhất là người đứng đầu, kết hợp vừa
pháp lý và đạo lý, kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với
cán bộ khi có đủ căn cứ, không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc
trường hợp phải miễn nhiệm. Ðổi mới công tác đánh giá cán bộ theo định kỳ và
trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa
chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và
có sự so sánh với các chức danh tương đương; gắn việc đánh giá tập thể, cá
nhân, nhất là người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ
quan, đơn vị.
Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát,
thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ. Nêu cao ý thức trách nhiệm
tự phê bình và phê bình trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục việc nể nang,
né tránh, ngại va chạm hoặc lợi dụng để đả kích, nói xấu hoặc thực hiện ý đồ cá
nhân. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể chính trị-xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân để kiểm
soát quyền lực trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý cán bộ theo hướng
công khai, minh bạch và giải trình theo quy định khi có yêu cầu .
TS. Phan Đăng An
(Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị
nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét