Tại tỉnh Gia Lai, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã triển khai đồng bộ những giải pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình đã giúp hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo hằng năm để tự tin, hăng hái sản xuất, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Trước đây, gia đình ông Rơ Chăm Chon ở làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Năm 2021, ông được chính quyền hỗ trợ một con bò cái. Đến nay, con bò này sắp sinh lứa thứ hai nên gia đình ông chăm sóc rất cẩn thận. Ông Chon cho biết, cùng đợt gia đình ông được hỗ trợ bò còn có 4 hộ khác được hỗ trợ và đến nay nhà nào cũng có thêm ít nhất một con bê. Với ông Chon, bò bây giờ là của để dành vì vừa qua vợ chồng ông được tuyển vào làm công nhân cao su với mức lương của cả hai vợ chồng là gần 10 triệu đồng. Ông Chon chia sẻ: “Chính quyền địa phương đã hỗ trợ bò, làm nhà và tạo điều kiện cho vợ chồng tôi đi làm công nhân cao su với tiền lương 4-5 triệu đồng/người/tháng, qua đó giúp gia đình tôi có đủ chi phí để trang trải cuộc sống hằng ngày, từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Từ năm 2016, khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai, đến nay mỗi năm các hộ nghèo ở xã Ia Ka được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để thực hiện những hoạt động giảm nghèo. Để nguồn vốn được phát huy hiệu quả, UBND xã Ia Ka đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thống kê số hộ nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo và tái nghèo, từ đó triển khai chương trình phù hợp với nguyện vọng của từng hộ dân như dạy nghề, làm nhà mới, tặng bò sinh sản, tặng máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Phương châm của địa phương là hỗ trợ bà con tạo sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững. Ông Rơ Chăm Glai, Trưởng làng Mrông Ngó 3 cho biết: “Đến nay, làng Mrông Ngó 3 đã có 5 hộ nghèo được hỗ trợ bò giống. Sau đó bò mẹ sinh sản sẽ được chia sẻ cho các hộ nghèo khác nuôi, vì hộ nuôi trước đã khá rồi nên tiếp tục chuyển cho các hộ khó khăn”.

Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Gia Lai đã giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng ở các huyện nghèo và các thôn, làng. Nguồn vốn này được cụ thể hóa thành nhiều tiểu dự án như hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà cho hộ nghèo và hộ cận nghèo...

Qua đó, trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh Gia Lai đã giảm được 15,75% số hộ nghèo (bình quân giảm trên 3,15% mỗi năm), đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 5,33%/năm. Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm. Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự chung tay, nỗ lực của nhân dân, cái nghèo ở Gia Lai đang từng bước bị đẩy lùi.