Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

 

KINH NGHIỆM PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở HOA KỲ 

Tham nhũng là hiện tượng xã hội có tính lịch sử, xuất hiện và tồn tại cùng với xã hội phân chia thành giai cấp và hình thành nhà nước. Hiện nay, tham nhũng đã trở thành hiện tượng khá phổ biến, diễn ra ở hầu khắp các nước; là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm hàng đầu ở tất cả các nước; làm ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển cũng như uy tín và vị thế của mỗi quốc gia trên trường quốc tế.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành tựu đã đạt được về mọi mặt, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Cùng với lãng phí, tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi và tính chất rộng lớn, phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nhận thức rõ nguy cơ của tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng. Vì vậy, việc nghiên cứu nắm vững những vấn đề cơ bản về phòng, chống tham nhũng, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ  tham nhũng ở Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Sau đây, bài viết đề cập đến kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng tại Hoa kỳ

Ở Hoa Kỳ, để phòng, chống tham nhũng, Nhà nước đã tiến hành xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ sức ngăn chặn các hành vi sử dụng quyền lực để tham nhũng. Các cơ chế kiểm soát quyền lực, như nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước theo thuyết tam quyền phân lập để kiềm chế, đối trọng giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp; cạnh tranh chính trị giữa các đảng đối lập, sự giám sát, phản biện xã hội của xã hội công dân đối với bộ máy nhà nước, vv.. Với các cơ chế đó, quyền lực nhà nước luôn bị giới hạn trong khuôn khổ pháp luật, bị giám sát bởi nhiều chủ thể khác nhau, do đó, tránh được tình trạng lợi dụng quyền lực nhà nước để tham nhũng.

Để ngăn ngừa nạn tham nhũng, năm 1962, Quốc hội Hạ viện Hoa Kỳ đã xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức của các ứng cử viên vào các cơ quan nhà nước, kể cả nghị sĩ Quốc hội. Năm 1984, Quốc hội Hoa Kỳ sửa đổi, bổ sung và thông qua luật cải tổ các tiêu chuẩn đạo đức đã ban hành năm 1978 và xác định rõ hơn quy chuẩn đạo đức riêng của giới quan chức ở từng ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, cho phép mỗi ngành này thành lập một cơ quan riêng, chuyên theo đồi đạo đức của giới quan chức ngành.

Pháp luật Hoa Kỳ quy định cụ thể các hình thức hối lộ, tham nhũng bị xử lý, trong đó có hình thức trực tiếp đưa vật phẩm hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn và hình thức gián tiếp như: quà cáp, tiền thưởng, nhuận bút, hoa hồng, thù lao dịch vụ, v.v.. Theo đó, nhằm tránh lạm dụng quà tặng mua chuộc, hối lộ, làm tha hóa giới quan chức, pháp luật Hoa Kỳ cấm các quan chức liên bang, cũng như các quan chức địa phương nhận tặng phẩm, chức tước, học hàm, học vị của nước ngoài, kể cả vua chúa, hoàng tử và nhà nước nếu không được Quốc hội hay cơ quan chủ quản cho phép.

Hoa Kỳ hiện có hai cơ quan làm nhiệm vụ chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Tư pháp, đó là Phòng Phòng, chống tham nhũng và Cục điều tra Liên bang. Các công tố viên độc lập có toàn quyền điều tra và luận tội. Bộ Tư pháp không được phép can thiệp vào công việc của các công tố viên. Tuy nhiên, Công tố viên phải báo cáo cho Bộ Tư pháp biết tiến độ và kết quả điều tra của mình đối với các vụ việc tham nhũng./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét