Đại tá CHU NGỌC TUẤN, Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân:

Luôn lạc quan, làm việc một cách khoa học

Tôi thường gặp áp lực vào những lúc: Thứ nhất là công việc nhiều, dồn dập với yêu cầu cao. Thứ hai là có cố gắng và kỳ vọng nhưng chưa đạt được. Đối với cả hai trường hợp này, tôi đều dành cho mình một khoảng thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ, định hình xem nên làm gì và làm như thế nào. Với trường hợp 1, tôi lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, khoa học, tính toán kết hợp hài hòa cả việc đơn vị và gia đình. Dành nhiều thời gian hơn, kể cả giờ nghỉ và bình tĩnh giải quyết từng việc theo kế hoạch đã xây dựng. Với trường hợp 2, tôi chia sẻ với người thân và bạn bè, đồng đội đáng tin cậy, đồng thời tự mình hóa giải bằng cách suy nghĩ tích cực, lạc quan: “Đó là lúc chưa đạt được chứ không phải không bao giờ đạt được và đó là quy luật của cuộc sống... Mình tiếp tục nỗ lực, khẳng định giá trị bản thân thì sẽ có được nhiều cơ hội tốt hơn”, không để các ý kiến ngoài luồng chi phối. Để giải tỏa áp lực không cần thiết, giúp bộ đội có tinh thần lạc quan, ngoài phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị; duy trì các chế độ, nền nếp; nắm chắc hoàn cảnh, mối quan hệ, quan tâm, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, các chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội... chúng tôi yêu cầu chỉ huy các đơn vị vừa giao nhiệm vụ hợp lý vừa động viên bộ đội; cấp trên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, thường xuyên sâu sát bộ đội để sẵn sàng giúp đỡ, động viên khi cần thiết, thực sự là người anh, người bạn của bộ đội. Tích cực tổ chức tốt các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, thu hút bộ đội tham gia và cùng tham gia với bộ đội...

Làm thế nào để giải tỏa căng thẳng, lấy lại cân bằng?
Cán bộ, chiến sĩ Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) vui chơi thể thao sau giờ làm việc. Ảnh: MAI VĂN ĐÔNG 

Thiếu tá NGUYỄN HOÀNG PHÚC, Chủ nhiệm khoa Nội truyền nhiễm-Da liễu, Bệnh viện Quân y 120, Cục Hậu cần Quân khu 9:

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Theo tôi, nếu không tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, kịp thời giải tỏa, xử lý những âu lo, muộn phiền, áp lực sẽ dễ dẫn đến căng thẳng kéo dài, từ đó gây ra những biến đổi trong tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, công việc, gia đình. Khi đó, mỗi người cũng sẽ không có tinh thần làm việc tốt, năng suất lao động giảm xuống, chất lượng công việc không như mong muốn khiến ngày càng căng thẳng, chán nản, rơi vào vòng xoáy bi quan, tiêu cực. Mỗi người có thể tự cân bằng và tìm kiếm niềm vui trong công việc, cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo quan điểm, hoàn cảnh của mỗi người, như: Bố trí làm việc một cách khoa học theo thời khóa biểu và có kế hoạch cụ thể cho từng công việc; sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; lựa chọn và chơi một số môn thể thao mà mình yêu thích, phù hợp với sức khỏe của bản thân; tranh thủ thời gian nghỉ phép, nghỉ tranh thủ đưa gia đình đi chơi, thăm bạn bè, người thân; gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp để trao đổi công việc, kiến thức, chuyên môn hoặc cùng nhau thư giãn...

Trung úy HOÀNG PHI LONG, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5:

Không để việc riêng ảnh hưởng đến việc chung

Là sĩ quan trẻ công tác ở đơn vị chủ lực đủ quân, tuy luôn an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, song đôi khi vì áp lực công việc, hoàn cảnh gia đình và những lý do khác khiến tôi vẫn cảm thấy khá căng thẳng, mệt mỏi. Những lúc như vậy, được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ tận tình của cấp trên và đồng chí, đồng đội, tôi đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Sự biểu dương, khích lệ của cấp trên là động lực để tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Để cân bằng giữa cuộc sống với công việc, tôi luôn xây dựng, sắp xếp thời gian sinh hoạt, công tác sao cho phù hợp, hiệu quả nhất với điều kiện đặc thù của đơn vị, không để việc riêng làm ảnh hưởng đến việc chung. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn toàn tâm, toàn ý, dồn hết tinh thần, trách nhiệm vào công việc. Ngày nghỉ, giờ nghỉ lại tranh thủ gọi điện, nhắn tin trò chuyện, tâm sự cùng người thân, bạn bè, cân bằng các mối quan hệ xã hội.

Hiện nay, đơn vị tôi đang thực hiện nhiệm vụ dân vận và chuẩn bị để bước vào huấn luyện giai đoạn 2. Hằng ngày, bộ đội thực hiện nhiều nhiệm vụ với cường độ cao, phân tán, công tác ngoài doanh trại, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe của anh em. Để giảm bớt sự căng thẳng, mệt mỏi, không nảy sinh tư tưởng tiêu cực, chúng tôi luôn quan tâm, chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, bám sát diễn biến tư tưởng của từng quân nhân, nhất là những đồng chí ốm đau, bệnh tật, gia đình gặp chuyện buồn hay có kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao, giúp bộ đội từng bước vươn lên, góp sức trẻ dựng xây đơn vị. Đồng thời, phát huy tốt hiệu quả các thiết chế, mô hình trong đơn vị; tổ chức sôi nổi các hoạt động vào giờ nghỉ, ngày nghỉ; phối hợp với gia đình, người thân để giáo dục, động viên bộ đội... Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tôi luôn yên tâm công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, được chỉ huy các cấp đánh giá cao.

Binh nhất PHẠM VINH LỰC, chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 17, Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3:

Mạnh dạn giãi bày tâm tư, suy nghĩ

Đôi khi tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng vì muộn phiền, căng thẳng, mệt mỏi, tôi tâm sự với các đồng chí trong tổ, tiểu đội, chia sẻ thông qua những buổi tâm sự đồng đội tại đơn vị. Khi thực hiện những nhiệm vụ mà thấy khó có thể hoàn thành tốt, tôi báo cáo, chia sẻ với chỉ huy đơn vị để tìm biện pháp giải quyết. Nếu được đơn vị cho mượn điện thoại, tôi gọi về tâm sự với người thân trong gia đình. Những lời động viên, chia sẻ, sự chỉ bảo, tư vấn của người thân, đồng đội và chỉ huy các cấp chính là nguồn động lực quan trọng giúp tôi tìm lại niềm vui, lấy lại cân bằng để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đơn vị tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là thực hiện nhiệm vụ khó khăn, vất vả, yêu cầu cao, chỉ huy các cấp rất sâu sát, luôn quan tâm, gần gũi và động viên chiến sĩ, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện đầy đủ nội dung, uốn nắn tỉ mỉ từng thao tác. Những biện pháp đó giúp chúng tôi thêm gắn kết, coi đơn vị như gia đình và sẵn sàng khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

nguồn bá quân đội nhân dân