Từ tháng 1-2022 đến nay, đều đặn hằng tuần, hằng tháng, cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), lao động hợp đồng trong toàn hệ thống chính trị TP Hà Nội phải cập nhật các đầu việc đang thực hiện và tiến độ triển khai lên phần mềm đánh giá điện tử. Một nội dung không thể thiếu là cam kết hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ đã đăng ký trên phần mềm và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính là căn cứ đánh giá cán bộ hằng tháng. Từ kết quả cập nhật trên phần mềm và xem xét lại toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ trong tháng của CB, CC, VC, người lao động, lãnh đạo phòng, ban xem xét, quyết định kết quả đánh giá cuối cùng.

Trước đây, việc đánh giá cán bộ thực hiện thông qua hình thức hội nghị vừa mất thời gian, lại phải chuẩn bị nhiều loại văn bản, giấy tờ, phiếu bình bầu. Mặt khác, khi tham gia hội nghị tập trung, các thành viên thường đưa ra quyết định có xu hướng thiên vị, nể nang hoặc áp đặt, cảm tính khi đánh giá cán bộ. Bởi vậy, đánh giá cán bộ hằng tháng qua phần mềm điện tử là bước cụ thể hóa quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Ngoài việc đánh giá bằng phần mềm, TP Hà Nội cũng tính đến yếu tố đặc thù từng công việc để bảo đảm việc đánh giá cán bộ hằng tháng đạt độ chính xác cao. Đơn cử như tại bộ phận một cửa từ cấp quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn luôn có một thiết bị điện tử hiển thị thông tin của CB, CC, VC. Sau khi người dân thực hiện xong các thủ tục hành chính sẽ đánh giá mức độ hài lòng về thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết công việc của CB, CC, VC đó.

Quyết liệt đổi mới công tác đánh giá cán bộ cũng là quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành quy định về tiêu chí đánh giá và xếp loại cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo hình thức lượng hóa bằng điểm số với thang điểm 100. 

Để làm được điều đó, quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong đánh giá cán bộ theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, có nghĩa là ai giao việc thì người đó đánh giá. Ví như, đối với các đồng chí Thường trực Huyện ủy sẽ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá; còn lại các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, các phó chủ tịch UBND, HĐND huyện sẽ do Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy... Ngoài ra, Ninh Bình còn triển khai nhiều cách thức mới trong đánh giá cán bộ. Ví như tại huyện Kim Sơn và TP Ninh Bình thực hiện chấm điểm cán bộ hằng tháng và đến cuối năm sẽ tổng hợp lại, làm căn cứ để nhận xét, đánh giá cán bộ. Hay như tại bộ phận một cửa ở tất cả UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều lắp đặt camera giám sát và thiết bị đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính... Công chức xã, phường, thị trấn có hành vi chưa chuẩn mực, thái độ phục vụ chưa tốt; hoặc người dân phản ánh, khiếu nại không đúng bản chất sự việc đều được camera giám sát ghi lại và lưu trữ trên hệ thống, làm căn cứ để đối chiếu. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, việc đánh giá cán bộ được sát thực, đa chiều hơn so với trước đây.

Tỉnh Hậu Giang cũng là một trong những địa phương có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ; đặc biệt là việc ban hành và thực hiện Quy định số 1120-QĐ/TU ngày 1-6-2022 ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng CB, CC, VC, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thuấn, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, đây là lần đầu tiên Hậu Giang ban hành một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ rất cụ thể; các tiêu chí đánh giá đã lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân. Với thang điểm 100, một trong những tiêu chí để xếp loại CB, CC, VC, người lao động (bao gồm cả cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm là phải có tổng số từ trên 90 đến 100 điểm. Nhưng để đạt được mức xếp loại này, điều kiện cần và đủ là không bị “điểm liệt”, có nghĩa là không có tiêu chí nào bị 0 điểm và phải đạt hiệu quả cao đối với một số tiêu chí nhất định.

Theo tinh thần đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ hằng năm phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; chất lượng sản phẩm, tiến độ và thái độ hoàn thành công việc. Đối với CB, CC, VC lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CB, CC, VC được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; là cơ sở đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể và ngược lại.

Cùng với những kết quả đạt được, nhiều ý kiến của CB, CC, VC tại các địa phương được khảo sát cho rằng: Ngoài những tiêu chí chung để đánh giá cán bộ theo quy định của Trung ương thì mỗi cấp, ngành, địa phương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ phù hợp với đặc thù hoạt động và đối tượng cán bộ. Bộ tiêu chí đánh giá này cần quy định cụ thể những điểm cộng, điểm trừ ở một số tiêu chí nhất định như: Mức độ hoàn thành nhiệm vụ, số lần hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn; số việc khó, việc đột xuất đã giải quyết trong năm; số lần được biểu dương, khen thưởng; số lần và mức độ sai phạm, khuyết điểm; số lần bị phê bình, nhắc nhở... Quy định về điểm cộng, điểm trừ trong các tiêu chí đánh giá càng cụ thể thì càng dễ triển khai thực hiện, làm căn cứ đánh giá cán bộ.