Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Một số thành tựu đạt được trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức trẻ ở Việt Nam thời gian qua

 Trong 38 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thể hiện quan điểm nhất quán là đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự cống hiến, sáng tạo của họ trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 về xây dựng đội ngũ trí thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp đó đến Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31-10-2012 về Phát triển khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24-11-2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành đã thực hiện các chính sách xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo, nghiên cứu; đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ; các chính sách sử dụng và tạo môi trường phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ; chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức, các giải thưởng quốc gia, phong tặng các chức danh khoa học và các danh hiệu cao quý; thu hút trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài...

Hằng năm, Việt Nam đào tạo được hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trẻ về các lĩnh vực, ngành nghề đóng góp vào đội ngũ lao động trình độ cao nguồn lực dồi dào chất lượng, tăng năng suất lao động đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Hơn thế nữa đội ngũ trí thức trẻ đã có những đóng góp tích cực trong nhiều mặt đời sống xã hội, có thể kể đến như nhiều trí thức trẻ Việt Nam đoạt giải cao trong các kỳ thi khối ASEAN hay quốc tế,... Đội ngũ trí thức trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc sưu tầm, nghiên cứu phổ biến truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam góp phần bảo vệ vốn văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài ra, trên các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh cũng có đông đảo đội ngũ trí thức trẻ tham gia. Nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương đã xây dựng, đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực trí thức trẻ một cách hiệu quả. Thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng có những giải pháp quyết liệt thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trẻ.

Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã góp phần tích cực thúc đẩy đội ngũ trí thức trẻ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Việt Nam đã mở rộng giáo dục bậc cao (đại học và sau đại học), trước hết là tăng số lượng các trường đại học, cao đẳng. Tính đến đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng; tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường đại học, cao đẳng, tổng số sinh viên cả nước có khoảng trên 2,2 triệu, đạt tỷ lệ khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân. Trong đó, sinh viên đại học chiếm 66%, cao đẳng chiếm 34%; nữ sinh chiếm 49,6%; số sinh viên học tập tại các trường công lập chiếm 85%, các trường ngoài công lập chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên; sinh viên hệ chính quy là 1.962.000. Ngoài ra, có khoảng 80.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là lực lượng đông đảo, được đào tạo ở những cơ sở uy tín, đã và đang là nguồn bổ sung cho đội ngũ trí thức Việt Nam, cũng chính là động lực tiên quyết để phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam và xây dựng đất nước.  

Từ năm 1980 đến năm 2015, sau 24 đợt xét, tổng số lượt giáo sư, phó giáo sư đã được công nhận ở nước ta là 11.619, trong đó có 1.680 giáo sư và 9.939 phó giáo sư. Riêng năm 2016 có thêm 65 giáo sư và 638 phó giáo sư được công nhận; năm 2017, số giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn tăng lên 1.131 người (trong đó giáo sư là 74, phó giáo sư 1.071); năm 2019: 73 giáo sư, 349 phó giáo sư; năm 2020: 39 giáo sư, 300 phó giáo sư; năm 2021: 42 giáo sư, 363 phó giáo sư; năm 2022: 34 giáo sư, 349 phó giáo sư... Đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn học thuật cao hiện đang công tác, cống hiến trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo ở các trường, đại học, học viện và cao đẳng.

Việt Nam đã chủ động liên kết đào tạo với các nước có nền giáo dục hiện đại trên thế giới, do đó đội ngũ trí thức trẻ có cơ hội học tập, nghiên cứu, tiếp cận những tri thức hiện đại nhất, trở thành nguồn chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tiếp thu những bài học kinh nghiệm về đào tạo nguồn lực trí thức ở các nước phát triển trên thế giới, Việt Nam đã nhìn nhận vai trò của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp không chỉ tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn tham gia tích cực vào đào tạo, đào tạo lại và nâng cao chất lượng theo chiều sâu nguồn nhân lực trí thức.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ trí thức trẻ ở Việt Nam còn một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục như: Việt Nam chưa có chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức, và về đội ngũ trí thức trẻ - đây là hạn chế mang tính chất căn cơ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình xây dựng đội ngũ trí thức. Nhiều chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức chậm đi vào cuộc sống. Một số chủ trương, chính sách không sát với thực tế; có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng thiếu những chế tài đủ mạnh bảo đảm cho việc thực hiện có kết quả… Việc triển khai chính sách thu hút, sử dụng trí thức trẻ thiếu tính đồng bộ. Một thực tế tồn tại phổ biến ở nhiều ngành, địa phương hiện nay là coi trọng việc thu hút trí thức trẻ nhưng lại chưa coi trọng việc sử dụng họ. Mặt khác, chính sách thu hút, trọng dụng trí thức trẻ do các địa phương xây dựng vẫn nặng tính hình thức, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa được tổng kết trong thực tế triển khai để đánh giá hiệu quả của chính sách. Đặc biệt, để giữ chân người tài làm việc trong nền công vụ thì các văn bản của các bộ, ngành và địa phương mới chỉ chú trọng đến xây dựng chính sách thu hút mà chưa quan tâm chú trọng đến việc sử dụng, đãi ngộ và trọng dụng họ. Hiện tượng bất hợp lý và lãng phí “chất xám” của đội ngũ trí thức trẻ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra nếu đơn vị, địa phương “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài về làm việc nhưng bố trí, sắp xếp họ không đúng chuyên môn, năng lực và sở trường công tác.

Hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: một số cấp uỷ đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trẻ nói chung, cũng như chưa thấy được vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức trẻ nói riêng dẫn đến việc đánh giá, sử dụng họ không đúng năng lực và trình độ, dẫn đến "tâm tư" trong một bộ phận trí thức trẻ; bản thân một số trí thức trẻ chưa thấy được hết tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong quá trình hội nhập quốc tế; môi trường làm việc ở một số nơi còn thiếu dân chủ, thiếu tự do sáng tạo, nhất là đối với đội ngũ trí thức trẻ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và văn nghệ sĩ; cho đến nay chưa có một văn bản có tính hệ thống như một nghị quyết hoặc một chiến lược riêng về công tác này.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét