Với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng, một trong những phương thức mà các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng là phát hành các sách, báo có nội dung độc hại, xuyên tạc, phản động. Đáng phê phán là một số cá nhân do nhận thức chính trị hạn chế, thiếu hiểu biết và hám lợi đã “nối giáo cho giặc” khi công khai tán phát, mua bán sách, báo xấu độc. Vì thế, việc ngăn chặn sự thẩm lậu, đấu tranh trực diện với sách, báo xấu độc cần nhất là chủ động, thường xuyên, kịp thời, đi vào thực chất.
Âm mưu đầu độc
nhận thức
Đằng sau một cuốn
sách, một bài báo chứa đựng tư tưởng, lý lẽ, tâm tư, tình cảm có tác động đến
nhận thức, hành vi của độc giả. Bên cạnh những “bảo thư” soi đường, chỉ lối để
con người hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ; rèn luyện, phấn đấu tu thân,
tích đức để khẳng định bản thân, cống hiến cho xã hội; cũng không hiếm những
“tà thư” đầu độc độc giả đưa đường đến với sự tối tăm, hận thù, bi quan, những
hành vi lệch chuẩn, thiếu văn hóa và đạo đức, vi phạm pháp luật...
Khác với loại
hình tuyên truyền trực quan như tranh, ảnh, phim; sách, báo xấu độc xâm nhập âm
thầm, dùng lý lẽ bề ngoài tưởng chừng rất khách quan, khoa học nhưng ngầm ẩn những
dụng ý vô cùng thâm hiểm. Chỉ cần độc giả là người thiếu hiểu biết về chính trị,
không kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, có ẩn ức, bất mãn trong đời sống
rất dễ bị tiêm nhiễm, dần dần “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lúc nào không
hay. Chẳng hạn, khá nhiều sách, báo dưới cái mác nghiên cứu khoa học lịch sử đã
“bắn vào quá khứ” khi lập luận rằng: Không cần tiếp thu chủ nghĩa cộng sản,
không cần sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ, không cần có Cách
mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam cứ “ngoan ngoãn” ở trong “vòng tay bảo
hộ” của mẫu quốc Pháp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai thì đất nước sẽ phát triển,
dân trí nâng cao; rồi sau đó thông qua phương cách hòa bình để có được nền độc
lập thì sẽ tốt hơn là phải cầm súng suốt mấy chục năm, làm “kéo lùi lịch sử”.
Luận điệu này với những người trưởng thành có hiểu biết lịch sử, có tư duy biện
chứng khoa học thì đích thực là phản động, phi thực tế và phản khoa học. Tuy
nhiên, nếu là một người trẻ mới mười tám, đôi mươi, sinh ra trong hòa bình thì
chưa chắc đã đủ bản lĩnh, trình độ để nhận diện đây là “tà thuyết”.
Theo số liệu của
Bộ Công an, tính từ năm 2009 đến 2022, lực lượng an ninh chính trị nội bộ đã phối
hợp thu thập, nghiên cứu hơn 500 đề tài, bản thảo; kiến nghị không cho xuất bản
hoặc sửa chữa lại nội dung trước khi xuất bản 350 đề tài, bản thảo; ngừng phát
hành, thu hồi, tiêu hủy 150 ấn phẩm có nội dung phức tạp, nhạy cảm, vi phạm; xử
phạt vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất bản hơn 760 trường hợp.
Khi những ý đồ
thâm hiểm không phát huy dưới dạng “chính ngạch”, các thế lực thù địch đẩy mạnh
hoạt động thông qua phương thức cũ đó là tán phát sách, báo xấu độc theo con đường
“tiểu ngạch”, nhất là trên không gian mạng.
Sách, báo xấu độc
chủ yếu được xuất bản dưới chế độ cũ trước năm 1975, sau này in ấn ở hải ngoại.
Dù là thể loại hư cấu hay phi hư cấu, sách, báo xấu độc đều có chung một số đặc
điểm về nội dung, đó là: Ra sức cổ vũ quan điểm thù địch, chống đối Đảng Cộng sản
Việt Nam; kêu gọi người dân không chấp nhận Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo
Nhà nước và xã hội; phủ định lý luận về chủ nghĩa xã hội và sự đúng đắn tất yếu
của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đòi xét lại lịch sử, bôi nhọ
nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của các anh hùng dân tộc, lãnh tụ của Đảng, các bậc
tiền bối cách mạng; khoét sâu vào những mặt trái của xã hội nhằm phủ nhận thành
tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân...
Đáng lo ngại là
một số cá nhân chuyên kinh doanh sách, báo, dịch vụ in ấn nhận thấy sách, báo xấu
độc bị cấm phổ biến, lưu hành là “hàng hiếm” nên đã sưu tập, tái sản xuất, bày
bán công khai trên mạng xã hội dưới dạng sách in và sách điện tử. Chỉ cần đặt
hàng trên mạng xã hội, bất cứ tác phẩm xấu độc nào trong vài giờ đã có thể chuyển
đến tận tay người có nhu cầu.
Vấn đề đáng bàn
là vì sao sách, báo xấu độc do các tác giả phản động lại có thể “đội mồ sống dậy”
lưu hành dễ dàng mà các cơ quan chức năng chưa kịp thời ngăn chặn?
Kết hợp giữa
phòng và chống hiệu quả
Chúng ta cần xác
định phương thức tán phát, phổ biến sách, báo xấu độc là thủ đoạn mà các thế lực
thù địch sẽ không bao giờ từ bỏ. Cho nên, đấu tranh với sách, báo xấu độc là việc
làm lâu dài, thường xuyên để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt cần
chú ý kết hợp giữa phòng và chống một cách linh hoạt, tùy từng trường hợp cụ thể
để mang lại hiệu quả thực chất.
Văn kiện Đại hội
XIII của Đảng đã xác định: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông
tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội,
thuần phong mỹ tục”.
Quán triệt, thực
hiện đường lối, chủ trương của Đảng, với lĩnh vực xuất bản, ông Nguyễn Nguyên,
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ
tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng: Trước hết, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh
đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản. Phát huy vai
trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan xuất bản, cơ quan chủ quản trong công
tác xuất bản với yêu cầu giữ vững tôn chỉ, mục đích, nâng cao bản lĩnh chính trị
cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên, thực hiện chặt chẽ quy trình xuất bản, thẩm
định kỹ nội dung bản thảo, tránh để xảy ra sai sót nội dung nghiêm trọng về
chính trị.
Cùng với đó,
công tác hậu kiểm cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn triệt để các xuất bản
phẩm có nội dung vi phạm quy định Luật Xuất bản; các cơ quan bảo vệ pháp luật
triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, xử lý những ấn phẩm lưu hành bất hợp
pháp, nhất là các ấn phẩm có nội dung xấu độc. Riêng với các địa chỉ lưu giữ,
tán phát xuất bản phẩm xấu độc trên không gian mạng, cần phát huy vai trò nòng
cốt của lực lượng an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng tập trung sử dụng những
biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động và sức phổ biến, tiếp cận đến với người
đọc.
Theo ông Nguyễn
Thái Bình, Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, vấn nạn sách,
tài liệu xấu độc được in ấn, mua bán công khai hiện nay là nguy cơ dẫn đến mất
kiểm soát vì vô tình tạo thói quen, hành vi vi phạm pháp luật cho bạn đọc, người
sử dụng thiếu hiểu biết. Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cần sớm
vào cuộc, xử lý bảo đảm đủ răn đe với những hành vi vi phạm pháp luật. Với những
nhóm người có chủ ý thu lợi cá nhân hoặc có kế hoạch, chủ động tán phát sách,
báo xấu độc cần phải bị xử lý hình sự để răn đe những đối tượng khác. Với những
cá nhân nhỏ lẻ, nếu chỉ hám lợi đơn thuần thì sớm tiếp cận, nhắc nhở.
Ông Nguyễn Thái
Bình cũng nhấn mạnh đến vai trò của các cấp ủy Đảng cần chủ động định hướng,
cung cấp thông tin thường xuyên để cán bộ, đảng viên không tìm hiểu, không tiếp
cận với sách, báo xấu độc; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên phổ
biến, giới thiệu sách, báo xấu độc dưới bất cứ hình thức nào. Đặc biệt, đối với
các cơ quan quản lý nhà nước cần phải chủ động trong truyền thông chính sách, giúp
cho người dân hiểu và làm việc theo pháp luật. Phát huy vai trò của đội ngũ báo
cáo viên, tuyên truyền viên trong hoạt động tuyên truyền miệng để cán bộ, đảng
viên và quần chúng nhân dân không mua bán, tàng trữ, sử dụng, phổ biến sách,
báo xấu độc; đồng thời, nâng cao khả năng nhận diện nội dung xấu độc, tham gia
đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng.
Một giải pháp mà
các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, phát triển văn hóa đọc nhiều lần nhắc đến,
đó là: Ngành xuất bản cần tiếp tục nỗ lực xuất bản, giới thiệu nhiều sách, báo
có nội dung lành mạnh, nhân văn, có giá trị học thuật dưới nhiều hình thức đa dạng,
hấp dẫn, gắn với phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Qua đó, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tác động tích cực để xây dựng nhận thức đúng đắn,
bồi đắp tâm hồn, nâng cao dân trí cho nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét