Trải qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy hào hùng, oanh liệt, dân tộc ta đã xây đắp nên nền nghệ thuật quân sự vô cùng độc đáo, đặc sắc, rất đáng tự hào. Để giúp bạn đọc tìm hiểu, tham khảo, nghiên cứu, trao đổi về nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ số 07/2024, Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu chùm bài viết: “Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới”.
I. Sự hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc
Để nghiên cứu có hệ thống, trước hết cần hiểu nghệ thuật quân sự là gì? Có nhiều khái niệm khác nhau về nghệ thuật quân sự, cách hiểu về nó cũng vậy, tùy thuộc vào quan điểm, trường phái quân sự của mỗi quốc gia. Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, “Nghệ thuật quân sự, lý luận và thực tiễn chuẩn bị và thực hành chiến tranh, chủ yếu là đấu tranh vũ trang. Gồm chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Lý luận nghệ thuật quân sự là bộ phận chủ yếu của khoa học quân sự, nghiên cứu các quy luật và tính chất, đặc điểm chiến tranh, xác định những nguyên tắc và phương thức đấu tranh vũ trang. Thực tiễn nghệ thuật quân sự chỉ đạo và thực hành đấu tranh vũ trang ở mọi quy mô”
Như vậy, chúng ta có thể thấy nội hàm của nghệ thuật quân sự rất rộng, gồm nhiều vấn đề, được biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau,... nên khó có thể giải quyết một cách đầy đủ, thấu đáo trong một vài bài viết. Vì thế, ở đây chỉ đề cập giới hạn về nó trong thực hành chiến tranh, còn trong chuẩn bị chiến tranh thì xin không nêu vì không có điều kiện, mặc dù nó cũng rất quan trọng. Trong đó, cũng chỉ tập trung vào những nội dung lớn, khái quát về nghệ thuật quân sự Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại, nhất là nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cần khẳng định, nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, được kết hợp bởi yếu tố truyền thống và hiện đại. Nghệ thuật quân sự Việt Nam ra đời và từng bước phát triển trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Đặc biệt, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc (1945 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nghệ thuật quân sự Việt Nam có bước phát triển mới, đa dạng và đạt đến đỉnh cao vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tiếp đó, nghệ thuật quân sự Việt Nam tiếp tục được vận dụng thực hiện và có những phát triển ở mức độ khác nhau.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, nghệ thuật quân sự của dân tộc ta ra đời từ rất sớm trong quá trình đấu tranh chống kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Khởi đầu là nghệ thuật toàn dân đánh giặc bằng cách đánh du kích vừa và nhỏ, trang bị vũ khí thô sơ trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Tần ở thế kỷ III trước công nguyên hay cách đánh phòng ngự bằng thành lũy của An Dương Vương ở thế kỷ II trước công nguyên. Tiếp đó, vẫn là cách đánh du kích kết hợp với khởi nghĩa vũ trang qua các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, v.v. Nhìn chung trong thời Bắc thuộc, nghệ thuật quân sự dân tộc còn sơ khai, phát triển chậm, chủ yếu là nghệ thuật quân sự của khởi nghĩa vũ trang chứ chưa phải là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Từ thế kỷ thứ X, sau khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập, tự chủ, có quân đội được tổ chức và trang bị vũ khí tới hàng vạn người, khi đó nghệ thuật quân sự của dân tộc dần phát triển cả về lý luận, thực tiễn và thực sự trở thành nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.
Cùng với sự hưng thịnh của các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt, quân đội theo đó cũng có sự phát triển không ngừng về tổ chức biên chế, quân số, vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu, sức cơ động, v.v. Đáng chú ý, đây cũng là thời kỳ dân tộc ta phải liên tục tiến hành các cuộc chiến tranh vệ quốc và chiến tranh giải phóng để chống lại sự xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc hùng mạnh, do đó nghệ thuật quân sự dân tộc có sự phát triển nhanh về nhiều phương diện. Đó là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc; trong đó, quân đội (quân triều đình) làm nòng cốt. Đặc biệt, từ thời Lý - Trần, triều đình thực thi kế sách “Ngụ binh ư nông” - gửi quân trong dân - khi đó quân đội không chỉ có lực lượng thường trực mà còn có lực lượng dự bị hùng hậu, “tĩnh vi nông, động vi binh” - thời bình là dân, khi đất nước có chiến tranh sẽ được huy động trở thành quân. Ngoài quân đội chính quy của triều đình, gồm lực lượng thường trực và dự bị, còn tổ chức đội quân của các hương, lộ, thổ binh, v.v. Theo đó, hình thành nên lực lượng vũ trang ba thứ quân với cách đánh rất linh hoạt ở mọi quy mô, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi thứ quân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Nội dung nghệ thuật quân sự của dân tộc cũng vì thế có sự phát triển rất phong phú, đa dạng và được vận dụng, kế thừa liên tục, hiệu quả qua các cuộc chiến tranh. Trong thực hành chiến tranh, tuân thủ nghiêm ngặt quy luật của chiến tranh, coi trọng nguyên tắc: giành và giữ quyền chủ động, “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, nguyên tắc tập trung lực lượng, lựa chọn thời cơ, mục tiêu tiến công, địa bàn tác chiến,… nhất là trong tổ chức các trận quyết chiến chiến lược. Đây cũng là nội dung chủ yếu thể hiện rõ nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam; đồng thời, cũng thể hiện tài thao lược kiệt xuất về quân sự của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc. Cùng với sự phát triển không ngừng của nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, mà tư tưởng chủ đạo là tiến công dần được khẳng định và cụ thể hóa trong tác chiến, như: “tiên phát chế nhân”, “binh quý thần tốc”, “lấy đoản binh chế trường trận”, “lấy yếu chống mạnh, ít địch nhiều”, v.v. Đặc biệt là sự chỉ đạo của tư tưởng quân sự đối với nghệ thuật quân sự, tạo nên bản sắc, sự độc đáo của nó trong thực chiến mà chủ yếu trong tác chiến tiến công. Cha ông ta đã rất minh triết khi lựa chọn tư tưởng tiến công làm chủ đạo, bởi nó không những phù hợp với đặc thù đất nước, đặc điểm chiến tranh - chỉ có tiến công mới giành thắng lợi triệt để, quét sạch quân thù khỏi bờ cõi Tổ quốc - mà còn phát huy cao nhất sức mạnh của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược của ngoại bang.
Thực tiễn lịch sử khẳng định ít có quốc gia nào trên thế giới phải đối đầu với nhiều kẻ thù xâm lược, với thời gian dài và chịu nhiều đau thương, mất mát như dân tộc Việt Nam. Để giành và giữ nền độc lập, tự chủ, nhân dân ta đã phải liên tục tiến hành chiến tranh chống xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là điều chúng ta không hề muốn mà buộc phải làm, vì không có lựa chọn khác. Nhưng, cũng từ thực tiễn khắc nghiệt đó, dân tộc ta đã viết nên trang sử hào hùng, những chiến công bất hủ khiến các quốc gia khâm phục, kẻ thù khiếp sợ và đã tạo nên nền nghệ thuật quân sự đặc sắc, giàu tính truyền thống cũng là điều dễ hiểu. Khó có thể đề cập đầy đủ, cặn kẽ về nghệ thuật quân sự dân tộc, mà chỉ có thể nêu những trận đánh tiêu biểu với hình thức tác chiến khác nhau để minh chứng cho nền quân sự độc đáo, đáng tự hào đó. Đầu tiên phải kể đến là trận đánh Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu, phá căn cứ chuẩn bị chiến tranh của địch ngay trên đất địch của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI. Đây là một điển hình về nghệ thuật giành quyền chủ động trong chiến tranh, tạo tiền đề thắng lợi tiếp theo cho trận quyết chiến chiến lược trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh bại quân xâm lược nhà Tống và đây cũng là một tiêu biểu của nghệ thuật phòng thủ - phản công chủ động. Hoặc trận Xương Giang - Chi Lăng thời Lê ở thế kỷ XV trong cuộc chiến chống quân xâm lược Minh cũng là một điển hình khác về nghệ thuật “vây điểm, diệt viện” ở quy mô lớn, với nhiều nét độc đáo, sáng tạo. Trong cuộc chiến này còn có trận Tốt Động - Chúc Động cũng rất đáng đề cập, thể hiện rõ nét đặc sắc của tư tưởng, nghệ thuật “yếu chống mạnh, ít địch nhiều”, trận đánh sử dụng lực lượng không lớn, nhưng đạt hiệu suất chiến đấu rất cao bằng cách đánh phục kích, mai phục sở trường. Đặc biệt là trận Ngọc Hồi - Đống Đa, đại phá 28 vạn quân Thanh của Quang Trung năm 1789, tiêu biểu cho cái hay của nghệ thuật quân sự dân tộc về nhiều phương diện, nhất là việc vận dụng yếu tố thần tốc (hành quân thần tốc, tác chiến thần tốc), cũng như nghệ thuật huy động, tổ chức và sử dụng lực lượng tiến công, chọn thời cơ tiến công hợp lý, đánh đòn quyết định kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn. Nghệ thuật quân sự dân tộc với những yếu tố cốt lõi “thế, lực, thời, mưu” được vận dụng thực hiện với sự biến hóa khôn lường trong thực hành tác chiến. Và đáng chú ý là, không chỉ tác chiến trên bộ với những địa hình khác nhau, mà còn cả trên sông, trên biển. Trong đó phải kể đến ba trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng Giang rất đặc sắc, diễn ra ở cùng một địa điểm (sông Bạch Đằng), một cách đánh (trận địa cọc, lợi dụng thủy triều), tất nhiên ở những giai đoạn khác nhau (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII) vẫn tạo được bất ngờ và đều giành thắng lợi vang dội. Khởi đầu là trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán năm 938, kết thúc hơn nghìn năm Bắc thuộc, giành độc lập tự chủ cho dân tộc. Tiếp đó là trận Bạch Đằng năm 981 do Lê Đại Hành lãnh đạo, đánh bại quân xâm lược nhà Tống; sau cùng là trận Bạch Đằng ở thời nhà Trần năm 1288 do Trần Quốc Tuấn chỉ huy trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3. Ngoài ra còn có trận Rạch Ngầm - Xoài Mút của Nguyễn Huệ năm 1785 phá tan 05 vạn quân Xiêm bằng cách đánh kết hợp thủy bộ tài tình.
Những chiến công chói lọi đó mãi mãi là bản hùng ca lịch sử của dân tộc, là biểu tượng của tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân. Đồng thời, cũng là sự kết tinh của nền nghệ thuật quân sự đặc sắc, đậm chất truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó tiếp tục được kế thừa, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét