Tôi gặp ông Huỳnh Công Danh lần đầu cách đây hơn một năm. Hôm đó đoàn công tác của Hội Điện ảnh Việt Nam vào phía Nam công tác. Vừa ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất tôi đã nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia vang lên một giọng nói trầm ấm. Người đó nói đang chờ chúng tôi ở sảnh nhà chờ.

Đó là một người đàn ông có dáng đầm đậm, vừa bắt tay chào đón, ông vừa tự giới thiệu: “Tôi là Huỳnh Công Danh, mấy anh mấy chị cứ gọi Ba Danh là đủ. Tôi được văn phòng hội (phía Nam) cử ra đây đón đoàn rồi dẫn đoàn xuống Bạc Liêu luôn”. Lúc đó tôi đã thấy cảm tình ngay bởi thái độ nhiệt tình và rất chu đáo của Ba Danh. Qua vài ngày đầu đi cơ sở cùng nhau tôi vẫn thấy ông giữ nguyên sự chu đáo và nhiệt tình, ngày càng thấm đẫm hơn.

Mảnh đất Bạc Liêu có nhiều đề tài cho các nhà điện ảnh tìm hiểu và sáng tác. Nó như một “kho đề tài về đấu tranh cách mạng, về văn hóa hòa quyện giữa ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa đã mấy trăm năm. Thêm nữa chính từ mảnh đất Bạc Liêu này đã ra đời điệu Vọng cổ lừng danh với người mở đầu là nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua bài ca “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng. Thì ra chuyến công tác thực tế sáng tác tại tỉnh Bạc Liêu lần này do chính vợ chồng ông Ba Danh đề xuất. Được về Bạc Liêu và đi tới các xã, huyện mới thấy người đàn ông này có gì đó gắn bó sâu sắc với vùng quê Bạc Liêu. Lân la hỏi chuyện tôi mới vỡ lẽ ra ông Ba Danh chính là người con của quê hương Bạc Liêu, còn vợ ông là “cô gái Cà Mau chính gốc”.

Nhớ hôm ông Ba Danh dẫn đoàn chúng tôi về thăm căn cứ Xứ ủy Nam Bộ và cũng là căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu những năm chống Pháp và chống Mỹ. Đường vào Căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) giờ vô cùng thuận lợi. Chiếc xe 16 chỗ của UBND huyện Hồng Dân đưa chúng tôi từ thị trấn huyện lỵ Ngan Dừa vào Căn cứ Cái Chanh chạy êm êm trên con đường liên xã. Chốc chốc xe lại tăng ga để lên một cây cầu bằng sắt hay bê tông. Có rất nhiều cầu, tôi có cảm nghĩ như những cây cầu đó nối nhau không dứt. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi nên anh Võ Thành Trung, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện, người đi cùng đoàn, cho hay: “Trước đây muốn vào thăm Căn cứ Cái Chanh thì chỉ có cách đi xuồng hoặc ngồi ghe mà thôi vì ở Hồng Dân chúng tôi kênh rạch chằng chịt. Từ ấp sang ấp cũng phải ngồi ghe, cán bộ xuống xã công tác cũng bằng xuồng”. Nói rồi anh Trung đưa mắt nhìn ra những thửa ruộng lúa đang thì lên xanh nói thầm thì: “Giờ thì khác rồi. Cũng nhờ chú Ba Danh đây”.

Tôi vội hỏi: “Chuyện thế nào vậy?”. Ông Ba Danh cười vui khi xe chạy qua một cây cầu bê tông còn mới: “Đó. Nhờ những cây cầu đó. Giờ cầu bê tông và cầu sắt đã thay thế những cây cầu dừa, cầu khỉ. Nhờ những cây cầu đó mà giao thông đường bộ đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt kinh tế - xã hội của nhân dân không chỉ ở huyện Hồng Dân này mà là cả tỉnh Bạc Liêu nữa”. Tôi lại hỏi thêm: “Cầu do Nhà nước đầu tư xây dựng hả anh?”. Ông Ba Danh cười rất vui: “Nhà nước chỉ đồng ý về mặt chủ trương thôi. Còn kinh phí xây dựng cầu do các mạnh thường quân ủng hộ”.

Xe chui qua một đoạn đường có mái che, thực chất là xe chạy xuyên qua một khu nhà xưởng của người dân. Tôi nhanh nhẩu: “Đoạn đường có mái che này do xã làm à anh?”. Ông Ba Danh lắc đầu: “Khi có chủ trương xây dựng các cây cầu bắc qua kênh rạch thì bà con vui lắm. Họ hiến đất làm đường nối những cây cầu với nhau. Đoạn có mái che chúng ta vừa đi qua là bà con tự nguyện “xẻ” đôi nhà xưởng để mở con đường đi qua cho thuận tiện”.

Người nối những bờ vui

Một cây cầu do ông Ba Danh và Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh vận động tài trợ.

Ông Huỳnh Công Danh sinh năm 1952. Năm 1969, tức là khi chàng trai Huỳnh Công Danh vừa tròn 17 tuổi thì “trốn” khỏi quê nhà ở xã Phước Long, huyện Hồng Dân vào căn cứ làm giao thông viên cho Đảng ủy xã và xã đội Phước Long. Ông ở liền tù tì trong căn cứ cho đến hết tháng 3 năm 1975 thì cùng đoàn quân giải phóng tham gia giải phóng các xã trong huyện rồi giải phóng cả tỉnh Bạc Liêu. Sau năm 1975, ông Ba Danh cùng đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn và ông trở thành “người Sài Thành từ đó”. Có một thời gian do yêu cầu công tác, ông Ba Danh chuyển ngành công an. Nghỉ hưu, ông làm công tác hội cựu chiến binh của quận 5 liên tục cho đến bây giờ.

Ông Ba Danh còn kể: “Tôi hiện là Phó ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh. Hội chúng tôi hoạt động mạnh mẽ lắm. Điển hình là vận động các mạnh thường quân đóng góp tiền xây dựng những cây cầu tình nghĩa, xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội và hỗ trợ các cháu học sinh nghèo hiếu học ở quê hương”.

Xe dừng lại ở trước cổng Căn cứ Cái Chanh, đã thấy mấy cô mấy anh đứng sẵn chờ đón đoàn. Ông Ba Danh xuống xe trước để hướng dẫn đoàn, tôi nghe râm ran câu chào: “Ông Ba mới về”. Lâu sau tôi mới được biết thêm, tuy sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng gần như tháng nào ông Ba Danh cũng về quê. Tôi đùa vui hỏi nhỏ: “Anh Ba cứ đi đi lại lại như vậy là sao?”. Ông Ba Danh cười vui: “Đi hỗ trợ bà con, đi trao nhà tình nghĩa, đi trao học bổng cho các cháu học sinh và đi xây cầu cho bà con đi chớ còn đi đâu”. Tôi lại hỏi thêm: “Thế anh Ba xây được bao nhiêu cây cầu rồi?”. Ông Ba Danh chỉ cười chứ không nói.

Đã nhiều năm nay Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh đã có những hoạt động thiết thực, nhất là giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tôi nói vui: “Chắc là công sức của ông Phó Ban nhiều lắm?”. Ông Ba Danh lắc đầu, tôi hiểu ông không muốn nói đến cá nhân mình. Và như để đổi hướng câu chuyện, ông Ba Danh cho biết: “Bữa tháng 9 rồi chúng tôi phối hợp cùng chính quyền Bạc Liêu đã khởi công xây 3 cây cầu giao thông nông thôn mà bà con gọi chung là “cầu đồng hương” tại xã Phước Long (huyện Phước Long) và xã Phong Thạnh Đông (Thị xã Giá Rai); với tổng kinh phí 518 triệu đồng, do các cá nhân, doanh nghiệp tài trợ, cùng nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Nghe thấy vậy, ông Võ Thành Trung bổ sung thêm: “Khi biết sắp xây cầu bê tông, cầu sắt thay thế cầu khỉ, cầu dừa thì nhân dân các xã, thôn, ấp phấn khởi lắm. Mọi người bảo nhau hiến đất để làm đường nối những cây cầu. Huyện chúng tôi hiện có một hệ thống đường bộ hoàn thiện mà không mất một đồng nào cho giải phóng mặt bằng”. Tôi nói vui: “Đúng là Nhà nước, đoàn thể, hội đồng hương và nhân dân cùng làm thì việc gì mà không xong”.

Được biết, cá nhân ông Huỳnh Công Danh cũng bỏ ra nhiều thời gian và công sức của mình. Bằng mối quan hệ sâu rộng, bằng uy tín cá nhân và tâm huyết, ông Ba Danh đã tìm đến các “mạnh thường quân” để vận động họ ủng hộ chủ trương “xây dựng nông thôn mới” bằng khả năng của mỗi người. Gặp họ, ông chỉ nói đơn giản: “Góp tiền xây cầu để anh em chúng ta về thăm quê thuận tiện”. Rồi ông Ba Danh cho hay: “Ở huyện Hồng Dân, các nhà tài trợ ủng hộ 70% kinh phí xây dựng, phần còn lại chính quyền huyện Hồng Dân đối ứng”. Ông Võ Thành Trung bổ sung: “Giá thành xây cầu cũng vì thế không mắc. Một cây cầu bê tông tải trọng hơn 2 tấn cũng chỉ hết 150 triệu đồng. Cầu lớn hơn hay cầu sắt thì giá hơn chút đỉnh”.

Người nối những bờ vui

Ông Huỳnh Công Danh (bên trái) trò chuyện cùng tác giả. 

Khi đã thân thiết, cởi mở hơn, tranh thủ lúc dừng chân trong Căn cứ Cái Chanh, tôi trò chuyện thêm với ông Ba Danh và được ông cho biết: “Năm 2021, chúng tôi quyên góp được hơn 3,3 tỷ đồng, xây dựng được 17 cây cầu, trong đó Bạc Liêu 9 cầu, Cà Mau 6 cầu và Quảng Trị 1 cầu. Năm 2022 là hơn 3,8 tỷ đồng, xây mới 17 cây cầu, trong đó Bạc Liêu 5 cầu, Cà Mau 11 cầu và Đồng Tháp 1 cầu. Chúng tôi còn tiến hành xây, tặng nhà tình nghĩa và mở rộng hoạt động ra các tỉnh khác nữa”.

Nói về giá trị của cầu đường nông thôn, bà Nguyễn Thị Bích, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi bộc bạch: “Nhờ có cầu, có đường nên nhân dân trong xã bán được nhiều tôm, nhiều lúa hơn. Giờ nhà nào cũng có xe gắn máy. Các cháu học sinh đi học đều hơn, xã không còn hiện tượng học sinh bỏ học vì đi lại khó khăn”.

Được nghe những chuyện mà ông Ba Danh đã làm, chợt trong đầu tôi chợt nghĩ, những người như ông Ba Danh đã lan tỏa những điều tốt đẹp không bó hẹp ở quê hương mình nhà mà còn vươn tới tỉnh bạn còn khó khăn. Tôi thầm gọi người đàn ông đã ngoài bảy mươi nhưng còn tràn đầy nhiệt huyết bằng cái tên “Người nối những bờ vui”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRỌNG VĂN

nguồn báo quân đội nhân dân