Nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam
Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng nhiều chiêu bài thâm độc hòng xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta... Vì vậy, cần nhận diện các thủ đoạn, chiêu bài của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị để phản bác, đấu tranh hiệu quả.
Nhận diện những luận điệu xuyên tạc
Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ở Việt Nam, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng. Kể từ năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta để tung ra các luận điệu xuyên tạc, hướng lái dư luận xã hội.
Thứ nhất, chúng rêu rao rằng, “đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “tranh giành quyền lực; xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ là “trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, là chính “ta đánh ta”; gần đây chúng còn đưa ra những quan điểm xuyên tạc, kích động dư luận rằng không ai có thể tin rằng ở Việt Nam: "Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; chúng cho rằng đây là “Một cuộc “thanh trừng” trong Đảng ở Việt Nam”, “Không cần phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”; không cần gán ghép “tham nhũng” với “tiêu cực”; không cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; chỉ cần “thay đổi thể chế chính trị” là sẽ không còn tham nhũng....
Thứ hai, các thế lực thù địch cho rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là một “quốc nạn không có thuốc chữa”. Họ cho rằng tình trạng đó bắt nguồn từ nguyên nhân tất yếu là chế độ một đảng duy nhất ở Việt Nam hay tham nhũng là “căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền”. Để thực hiện những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm đó, chúng tận dụng triệt để in-tơ-nét, mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán những clip, bài viết tập trung vào những vụ việc vi phạm kỷ luật của một số cán bộ, đảng viên, bình luận về nguyên nhân dẫn đến thoái hóa, biến chất, nguyên nhân dẫn đến sai phạm, nguyên nhân "thanh trừng" trong nội bộ; từ đó hướng lái tư tưởng, gieo rắc các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng các vụ việc trên; gây hoài nghi trong dư luận nhân dân; nhằm phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta và kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, từ một số vụ, việc tham nhũng trong thời gian gần đây, nhất là những vụ liên quan đến một số lãnh đạo cấp cao, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã quy chụp, cường điệu hóa, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Họ rêu rao rằng “Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.
Những luận điệu đó còn nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; gây mất đoàn kết nội bộ, kích động xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng, có tâm lý bất mãn. Do đó, cần tỉnh táo nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch qua các luận điệu đó; đồng thời có luận cứ xác thực, có tính thuyết phục để đấu tranh phản bác.
Thành tựu trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta
Theo Từ điển tiếng Việt, tham nhũng là những hành vi của các cá nhân lợi dụng quyền hành, nhũng nhiễu dân để lấy của cải, vật chất. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (khoản 1, Điều 3). Tham nhũng là vấn đề liên quan đến sự phát triển, sự sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc; làm lung lay hệ thống chính trị, phá hoại việc thực thi pháp luật, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một quốc nạn, một trong bốn nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN.
Công tác phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 được tổ chức ngày 12-12-2020: “Từ sau khi thành lập Ban Chỉ đạo (2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng chống tham những đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: ““Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm”(1).
Giai đoạn 2012-2022, đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Những con số nêu trên cho thấy quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Và có thể nói cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo số liệu do Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) công bố, Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng lên, thể hiện một chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, năm 2019, Việt Nam đạt 37/100 điểm, đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu; đến năm 2023, Việt Nam đạt 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước năm qua đã được ghi nhận.
Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch sẽ ngày càng gia tăng, tinh vi và xảo quyệt hơn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân để nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, vạch trần bản chất của chúng, định hướng tiếp nhận thông tin trên các nền tảng mạng xã hội có chọn lọc, khách quan. Trước những sự kiện chính trị, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, các cơ quan thông tin, truyền thông cần khai thác thông tin từ cơ quan chức năng để thông tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất trong nhận thức, thái độ và hành vi trong cộng đồng xã hội.
Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và cấp ủy các cấp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia nhiệm vụ này như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Nhất hô bá ứng”, “Tiền hô hậu ủng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để nói lên tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động, vì sự nghiệp cách mạng chung và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
Ba là, mỗi tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của cả dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với tinh thần, kiên quyết phòng, chống tham nhũng bằng cả cơ chế, chính sách và hệ thống kiểm soát quyền lực... Có như vậy, tham nhũng, lợi ích nhóm mới được đẩy lùi. Đồng thời, phải luôn tỉnh táo trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;…
Bốn là, tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đây là sự định hướng chiến lược quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên, mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, trong đó những người làm công tác tuyên giáo, công tác chính trị, tư tưởng, báo chí là những chiến sĩ tiên phong.
Với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả; tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi; đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét