Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Những đảng viên Biên phòng góp sức chuyển mình các xã biên giới

 


Nằm ở địa đầu Tổ quốc, Quảng Ninh có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Đây cũng là địa phương có cả đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, khu vực biên giới biển, đảo của Quảng Ninh có 82 xã, phường. Những năm qua, BĐBP Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương đưa cán bộ, đảng viên là BĐBP tham gia cấp ủy các xã, thị trấn và tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới. Qua đó, góp phần giúp các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Là huyện miền núi biên giới, Bình Liêu có 43km đường biên, 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 45 cột mốc giới, 68 cột mốc thuộc biên giới Quảng Ninh, có 6 xã biên giới với 86 thôn, bản, trong đó có 21 thôn, bản có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Đây cũng là địa phương có số cột mốc biên giới quốc gia nhiều nhất.

Nhiều năm nay, những người lính Biên phòng không chỉ bảo vệ biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia mà đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường về cơ sở của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đã góp phần quan trọng trong việc củng cố chính trị cơ sở, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, đưa Bình Liêu là huyện miền núi có nhiều dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước về đích đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Sau nhiều năm công tác tại các đồn Biên phòng, Trung tá Lương Hải Thuận - cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô được phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Phát huy vai trò được giao, anh đã tích cực cùng cấp ủy, chính quyền tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các thôn, khu biên giới vững mạnh, xây dựng lộ trình, kế hoạch phù hợp, tạo không gian phát triển mới cho thị trấn Bình Liêu. "Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền xuống cơ sở với bà con, thực hiện tốt 4 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc", từ đó, kịp thời có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn, nhất là việc giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông nông thôn, xóa bỏ tập quán lạc hậu, giữ gìn vệ sinh môi trường" - Trung tá Lương Hải Thuận chia sẻ.

Theo Thượng tá Tẩy Văn Thái, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, hiện nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô có 6 đồng chí cán bộ tăng cường, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn biên giới, 21 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt tại 21 chi bộ thôn, bản giáp biên giới. Để phát huy tốt vai trò của đội ngũ này, Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã chủ động lựa chọn những đồng chí có trình độ, năng lực, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, bồi dưỡng để có tư duy nhạy bén cùng với việc bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện đúng phương châm "3 bám, 4 cùng" (bám địa bàn, bám đơn vị, bám chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc).

Còn tại địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, kể từ khi được cử tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, Trung tá Phạm Xuân Mạnh, đã luôn tích cực, chủ động bám sát tình hình, tham mưu, đề xuất các giải pháp, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đến từng gia đình để vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Điển hình, anh đã vận động gia đình ông Hứa Thanh Bình, thôn 2, xã Vĩnh Thực cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu trồng na, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Những chuyển biến về kinh tế đối với các gia đình anh Mạnh phụ trách là nguồn động viên lớn đối với anh.

Anh coi đây không chỉ là trách nhiệm của một đảng viên khi được đảng ủy đồn Biên phòng giao nhiệm vụ, mà đây còn là tình cảm sâu lắng, gắn bó máu thịt với bà con nơi biển, đảo quê hương đầy sóng và gió này. 5 năm gắn bó với Vĩnh Thực trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, vùng đất này đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Hiện nay, vợ con anh đã chuyển từ Hải Dương ra lập nghiệp nơi vùng đảo Vĩnh Thực.

Đến nay BĐBP Quảng Ninh đã cử 24 cán bộ đảng viên tham gia cấp ủy tại 24 xã phường, cấp ủy của 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo; 95 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản giáp biên; 358 đảng viên phụ trách gần 1.500 hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển đảo. Từ những việc làm cụ thể trong hành trình gần dân, bám địa bàn, cùng với trách nhiệm được giao, những đảng viên mang quân hàm xanh đã góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo chuyển biến quan trọng về kinh tế, góp phần quan trọng xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo vững chắc quốc phòng nơi vùng phên dậu Tổ quốc.

Tháng 7/2017, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Trung ương cho phép thí điểm bổ sung cấp ủy viên là BĐBP vào Huyện ủy biên giới. Từ khi được bổ sung vào cấp ủy, các đồng chí là đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố và cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, là cầu nối thường xuyên giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố và các xã biên giới, hải đảo. Từ thực tiễn và thành công của Quảng Ninh chính là tiền đề để nhân rộng trong cả nước.

Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết: "Các đồng chí cán bộ của BĐBP Quảng Ninh tăng cường cho địa phương luôn mang lại nguồn cảm hứng, sự sáng tạo trong phương pháp công tác, có những đề xuất rất giá trị, sát với thực tế, có tính thực tiễn và hiệu quả cao. Có các đồng chí giúp địa phương, bà con như có thêm “điểm tựa” gắn bó, thắt chặt tình quân dân. Điểm chung của các đồng chí cán bộ Biên phòng tăng cường về các cơ sở là luôn chủ động, tham mưu đề xuất, học hỏi, nâng cao về công tác Đảng, hòa nhập nhanh với môi trường công tác mới, thích nghi với các hoạt động của địa phương. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân".

Chủ trương tăng cường đưa đảng viên Biên phòng về cơ sở thời gian qua đã chứng minh đây là chủ trương đúng đắn, giúp giải quyết những vấn đề khó khăn ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xây dựng địa phương biên giới vững mạnh toàn diện, đặc biệt ở địa bàn khó khăn vùng biên giới, hải đảo. Đồng thời, đây cũng là biện pháp quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét