Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

NHỮNG MẨU CHUYỆN ĐỌNG LẠI CẢM XÚC NHÂN NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7)

 


Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đã lùi xa, bên cạnh niềm vinh quang và tự hào, là nỗi đau thương với sự bồi hồi, xúc động khi nghĩ về những người con của đất nước đã hy sinh, hoặc mang thương tật suốt đời.

Sự cống hiến, hy sinh của họ là vô giá, đối với các thế hệ hôm nay và mãi mãi sau này. Chính các anh, các chị đã góp phần tạo nên niềm tự hào và vinh quang cho Tổ quốc ta.

Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công mãi mãi là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng và niềm vinh dự của đất nước và dân tộc.

Vô vàn những mẩu chuyện nhỏ thật sự cảm động về những thương binh, đặc biệt là thương binh nặng, những gia đình liệt sĩ đi tìm người thân không còn xa lạ đối với chúng ta. Nhưng khi được nhắc đến, đã lay động ngay đến con tim của mỗi người với những xúc cảm đặc biệt khó tả, chất chứa biết bao niềm thương cảm rơi lệ, không nói nên lời. Đây là những cảm xúc tự nhiên, chân thành từ tấm lòng hướng thiện, chia sẻ, đồng cảm và tri ân theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam chúng ta.

Chiến trường Campuchia trong những năm Quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, người chiến sĩ luôn đối mặt với những khó khăn, thử thách không phải chỉ với ác liệt, hy sinh mà còn phải vượt qua sự nghiệt ngã do thương tật và những dịch bệnh hiểm nghèo…

Trong một chuyến công tác cùng Tư lệnh chiến dịch (trên tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan) Nguyễn Thới Bưng (Út Thới) về thủ đô Phnôm Pênh; khi chúng tôi đến bãi đổ trực thăng, một cảnh tượng thương tâm và vô cùng xúc động đã diễn ra. Ở đây đang có hàng chục thương binh nặng (hầu hết cụt mất chân do mìn của quân Pôn Pốt) với những vết thương đã nhiễm trùng sắp bị hoại tử, ruồi nhặng bu đen. Tư lệnh trong sự nghẹn ngào nói với tôi: “Không được rồi Lượng… ơi!, ruồi nhặng bu đầy như thế này không đưa nhanh về Sài Gòn để chữa trị, các vết thương sẽ hoại tử, rất nguy hiểm cho anh em…” và Tư lệnh đã quyết định chuyển chuyến bay cho các thương binh. Nhìn những thương binh tuổi 19, đôi mươi với nét mặt ngơ ngác được đưa lên trực thăng, trong sự bâng khuâng tôi thầm nghĩ “rồi không biết các em sẽ như thế nào…”.

Trong một câu chuyện khác, một thương binh nặng, đã được cắt bỏ một chân, đang điều trị tại viện quân y; giữa đêm đồng chí đi vệ sinh và bật ngã trên sàn nhà, được các y tá và điều dưỡng đỡ dậy, đồng chí vừa khóc, vừa nói: “… em cứ nghĩ mình còn đủ hai chân…”. Sự mất mát đột ngột một phần cơ thể, sự thay đổi tâm lý và cuộc sống, đau lòng và xót xa như vậy!

Một thân nhân, con của một liệt sĩ đi nhận hài cốt của cha, trong sự giàn giụa nước mắt kể lại câu chuyện: Trong thời gian dài, cháu cứ trách ông bà nội “… sao nội không giữ được hình nào của ba, để con thờ…”. Nội cháu nói: “… con ra ngoài chợ, nhờ mấy ông thợ vẽ hình con rồi đem về nhà mà thờ, con giống hệt ba con”.

Có những thân nhân liệt sĩ không tìm được hài cốt của người thân, chỉ yêu cầu đến đúng chỗ liệt sĩ đã hy sinh và mang 2 nấm đất đặt vào lư hương để tưởng nhớ. “… được như thế này, gia đình tôi cũng đỡ tủi thân…”.

Bên cạnh những câu chuyện về thương binh, đặc biệt là thương binh nặng, chúng ta không thể không vinh danh và ngưỡng mộ những “người bạn đời” của họ. Đồng cảm và chia sẽ những hy sinh, mất mát, những thử thách nghiệt ngã phải vượt qua để hòa nhập với cộng đồng… của những thương binh nặng, rất nặng, mất đi một phần thân thể. Các chị, những người vợ của thương binh nặng, đã có những thổ lộ hết sức hồn nhiên và chân thành: “… Tôi đến với anh ấy buổi đầu bằng sự thương cảm chân thật, rồi cảm thấy “hợp ý”, “hợp lòng” và cuối cùng là sự sẻ chia một phần khó khăn, sự cưu mang của toàn xã hội…”. Các chị, những người “bạn đời” của những thương binh nặng, mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có những xúc cảm, lắng đọng như vậy, bao nhiêu nghĩa tình vô giá, xứng đáng với hạnh phúc mà các anh, chị và lớp lớp con cháu được hưởng trong sự mãn nguyện của cả gia đình.

Tấm lòng đền ơn, đáp nghĩa của chúng ta đối với thương binh, liệt sĩ, người có công, không sao bằng được những cống hiến vô giá của họ cho xã hội và đất nước. Phải làm tốt, thiết thực, hiệu quả hơn, với ý nghĩa chính trị - xã hội và tính nhân văn sâu sắc hơn nữa về sự tri ân, là nguyện vọng, tấm lòng sâu nặng của mỗi chúng ta. Như lời di huấn của Bác Hồ: Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét