Gia đình chị Lan thuộc diện mở rộng đối tượng xét cho thuê nhà ở xã hội nên chị rất phấn khởi bởi ước mơ an cư sắp thành hiện thực. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền TP Hồ Chí Minh trong việc chăm lo, hỗ trợ đời sống, nhà ở cho người lao động, nhất là người lao động thu nhập thấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hoàn thành hai dự án nhà ở xã hội với quy mô 610 căn hộ, tổng diện tích sàn 50.831m2. Trong đó, dự án nhà lưu trú công nhân phường Thạnh Mỹ Lợi hoàn thành 368 căn, đang nhận hồ sơ đăng ký thuê. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng được 35.000 căn nhà ở xã hội, Sở Xây dựng thành phố tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể khả năng thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, xác định các dự án trọng tâm cần phát triển theo từng giai đoạn cụ thể.

Nỗ lực an cư cho người lao động
Phối cảnh một dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đang được xây dựng. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhất là nhà ở xã hội rất lớn, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chỗ ở cho người lao động, đối tượng thu nhập thấp. Năm 2023, thành phố đã bố trí hơn 1.240 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho hơn 1,2 triệu người lao động. Hiện nay, UBND thành phố dự kiến triển khai nhóm chính sách cho các chủ nhà trọ vay tiền sửa sang lại phòng trọ bảo đảm yêu cầu sinh hoạt tối thiểu cho công nhân, người lao động thuê; tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ tiền điện, nước, sinh hoạt phí liên quan đến nhà trọ; hỗ trợ lãi suất cho người lao động mua nhà ở xã hội khi vay từ các ngân hàng...

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cùng với các chính sách hỗ trợ thiết thực, lãnh đạo thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương xử lý các vướng mắc đối với những dự án nhà ở xã hội; tham mưu giúp UBND thành phố chỉ đạo giải quyết trình tự thủ tục thực hiện quy trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và thúc đẩy đầu tư công các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thực tế cho thấy, giai đoạn 2021-2030, khả năng nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người lao động. Việc phát triển nhà ở xã hội tại thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như thủ tục đầu tư phức tạp, các quy trình thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiêu khê, nguồn vốn đầu tư thiếu... Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Chính phủ, Bộ Xây dựng và thành phố cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư, có chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội; huy động nguồn lực xã hội hóa và khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, thiết thực chung tay giúp người lao động an cư.

Bài và ảnh: HUY NAM

nguông báo quân đội nhân dân