Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngay từ năm 1925, trong bài viết về công tác quân sự của Đảng, Người đã nhấn mạnh: “Đảng cách mạng phải hiểu rằng, phong trào nông dân dù có quy mô lớn tới đâu, cũng không mong gì giành được thắng lợi quyết định, nếu như giai cấp công nhân không hành động”[1]. Người khẳng định: “Để giành được thắng lợi, cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân lãnh đạo. Vì nó là giai cấp tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất”[2].

 Khi Việt Nam được độc lập, miền Bắc bước vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự đặt câu hỏi: “Ai là người xây dựng chủ nghĩa xã hội?” Và người tự trả lời, “nói chung là người lao động trong xã hội, gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng …, nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân”[3].

Trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, ngay từ khi ra đời, trong Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930 xác định: Giai cấp công nhân Việt Nam thông qua Đảng của mình lãnh đạo toàn dân làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị của xã hội cách mạng, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa, phát triển tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn đã cho thấy: Đồng hành cũng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam, thông qua đội tiền phong của mình, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trong Nghị quyết Trung ương 7, khóa VII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chỉ có giai cấp công nhân trưởng thành về chính trị, có trình độ tổ chức, kiến thức và kỹ năng nghề nghiêp cao, mới có thể là nòng cốt để liên minh với nông dân, trí thức, tập hợp và đoàn kết các thành phần khác, phấn đấu cho thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[4].

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X - Nghị quyết chuyên đề “Về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng ta đã khẳng định: Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng[5]. Đến Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, “là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”[6].



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.565.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.601.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.679.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.31.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X, (NQ20/NQTW), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét