Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM XEM NHẸ ĐƯỜNG LỐI XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN, TUYỆT ĐỐI HÓA VAI TRÒ VŨ KHÍ CÔNG NGHỆ CAO TRONG CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI

 

Những năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra xung đột Nga-Ucraine, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh xuất hiện một số quan điểm nhấn mạnh, đề cao vai trò của vũ khí công nghệ cao trong tác chiến, coi nhẹ yếu tố con người. Thậm chí còn có quan điểm cho rằng: Chỉ có các lực lượng sở hữu vũ khí công nghệ cao mới có thể đánh thắng trong chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, dẫn đến phủ nhận giá trị của quốc phòng, an ninh truyền thống, coi nhẹ vai trò của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và chiến tranh nhân dân. Sự thật, có vũ khí công nghệ cao để chống lại kẻ địch là tốt, nhưng dù vũ khí hiện đại thế nào đi nữa vẫn phải do con người sử dụng, do đó, con người là yếu tố quyết định, còn vũ khí tốt sẽ nâng cao hiệu suất tác chiến. Nhưng không phải nước nào và bao giờ các nước cũng có vũ khí công nghệ cao ngang bằng nhau, vì thông thường nhiều quốc gia phải tiến hành chiến tranh bằng vũ khí, trang bị kém hơn, thậm chí là rất kém để chống lại đối phương có vũ khí công nghệ cao. Do đó, phải có đường lối xây dựng nền quốc phòng, an ninh và tiến hành chiến tranh phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia.

Với Việt Nam, có thể khẳng định: Hiện tại và trong tương lai nếu buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta vẫn phải tác chiến bằng vũ khí, trang bị ở trình độ hạn chế hơn đối phương nhiều lần, vì vậy, cần có đường lối xây dựng nền quốc phòng, an ninh hợp lý ngay từ thời bình để có thể hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của kẻ địch có vũ khí công nghệ cao. Kế thừa được các giá trị quốc phòng, an ninh truyền thống, phát huy mặt mạnh, khắc phục các mặt còn hạn chế của ta để đánh thắng đối phương có vũ khí công nghệ cao. Đường lối đó chỉ có thể là đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân làm cơ sở để tiến hành chiến tranh nhân dân thắng lợi trong điều kiện chiến tranh có sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, tất nhiên đó phải là nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân có sự đổi mới, phát triển phù hợp các điều kiện tác chiến mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, nếu cho rằng, trong điều kiện tác chiến bằng vũ khí công nghệ cao, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là đường lối sai lầm, thì chính những người đưa ra quan điểm này là những người sai lầm nhất. Bởi vì, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh để đối phó với các loại hình chiến tranh có thể xảy ra vẫn là đường lối quân sự phù hợp nhất đối với Việt Nam hiện nay.

1. Về vũ khí công nghệ cao và tác động của nó trong chiến tranh

Vũ khí công nghệ cao là vũ khí được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có sự nhảy vọt về chất lượng và tính năng chiến - kỹ thuật. Vũ khí công nghệ cao gồm các loại: Vũ khí hủy diệt lớn, vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí chùm tia, laze, chùm hạt, điện từ, vũ khí mềm... được chế tạo dựa trên cơ sở vũ khí thông thường, ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực vi điện tử, vi xử lý, tin học, vật liệu mới, laze, hồng ngoại, năng lượng mới, sinh học, tự động hóa... Vũ khí công nghệ cao có đặc tính là độ chính xác cao, uy lực lớn, tầm hoạt động xa, có thể hoạt động trong những điều kiện phức tạp và đạt hiệu quả cao hơn từ hàng chục tới hàng trăm lần so với vũ khí thông thường. Một số loại vũ khí công nghệ cao còn được gọi là vũ khí thông minh có khả năng nhận biết địa hình, nhớ được tọa độ, tự động tìm, chọn và diệt mục tiêu. Vũ khí công nghệ cao xuất hiện từ Chiến tranh thế giới thứ hai, phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, một số loại vũ khí công nghệ cao đã được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh, Nam Tư, Ápganixtan... Nhiều chuyên gia quân sự coi vũ khí công nghệ cao là loại vũ khí chủ yếu trong chiến tranh tương lai.

Vũ khí công nghệ cao ra đời và phát triển là một bước tiến bộ nhảy vọt về chất lượng vũ khí, nó tác động làm thay đổi căn bản một số quan điểm về chiến tranh, ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật quân sự và tính chất của chiến tranh. Làm xuất hiện nhiều vấn đề lý luận mới về chiến tranh: Lý luận tác chiến chiều sâu; chiến tranh bằng tiến công hỏa lực; chiến tranh phi trực tiếp tiếp xúc, phi đối xứng; tiền tuyến, hậu phương không còn phân định rõ ràng, không gian chiến tranh không đâu là an toàn. Tuy nhiên, vũ khí công nghệ cao không phải là không có điểm yếu do đây là vũ khí vận hành theo hành trình, theo quy luật, một số loại còn chịu ảnh hưởng lớn của địa hình thời tiết, một số loại còn bay thấp, tốc độ không cao... Nếu có giải pháp hợp lý vẫn hạn chế được hiệu quả của vũ khí công nghệ cao, kể cả các giải pháp thô sơ, truyền thống. Hơn nữa, trên chiến trường rộng lớn, vũ khí công nghệ cao không thể có đủ để tấn công được tất cả mọi mục tiêu, mọi địa điểm. Đối với Việt Nam, nếu chỉ bị phá hoại một số trọng điểm thì chưa mất nước, vì vậy, nếu kẻ địch chỉ tiến công bằng vũ khí công nghệ cao thì không khuất phục được Việt Nam. Hơn nữa, nếu kẻ địch tiến công trên bộ thì đó sẽ là điều kiện để chúng ta tiêu diệt kẻ địch. Làm được việc ấy, không có con đường nào khác là phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam dựa trên nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc từ thời bình.

2. Vì sao phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh trong điều kiện tác chiến bằng vũ khí công nghệ cao

2.1. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là nền quốc phòng, an ninh có sức mạnh tổng hợp cao, có sức đề kháng mạnh mẽ nhất và có khả năng ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh hiệu quả nhất, kể cả là chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao

Chiến tranh bằng vũ khí thông thường hay bằng vũ khí công nghệ cao cũng đều là chiến tranh, gây ra những thiệt hại, tổn thất nặng nề về kinh tế, chính trị, con người, ảnh hưởng đến ổn định, hòa bình thế giới. Vì vậy, giữ vững ổn định, hòa bình cho đất nước mà không phải tiến hành chiến tranh, hay “đánh thắng chiến tranh ngay khi nó chưa xảy ra” mới là tối ưu. Tôn Tử nói: “Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho cả nước địch khuất phục trọn vẹn là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm cho toàn quân địch khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Thế nên bách chiến, bách thắng cũng chưa phải cách sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm cho kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt”. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tư tưởng giữ nước cơ bản, bao trùm nhất của tổ tiên ta là “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Thời đại Hồ Chí Minh, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã phát triển tư duy nhận thức căn bản trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng từ tư duy quân sự đến tư duy quốc phòng, từ tư duy chủ yếu về chiến tranh sang tư duy giữ nước mà không phải tiến hành chiến tranh và chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”[1]. Để hiện thực hóa tư tưởng, quan điểm nêu trên, Đảng ta, nhân dân ta phải lựa chọn đường lối xây dựng nền quốc phòng, an ninh phù hợp nhất, hiệu quả nhất, đường lối ấy chỉ có thể là đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, có sự phát triển cao trong các điều kiện mới.

Nền quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng của dân, do dân và vì dân, đó là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, được xây dựng toàn diện cả tiềm lực, lực lượng. Và thế trận do toàn dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và Nhân dân làm chủ. Đó là nền quốc phòng phát huy được cao nhất các giá trị truyền thống, cốt cách văn hóa Việt Nam, sức mạnh mọi mặt của Việt Nam: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và sức mạnh thời đại. Cùng với nền an ninh nhân dân giữ cho đất nước ổn định và phát triển, kịp thời phát hiện và triệt tiêu các nguy cơ từ bên trong có thể gây đột biến. Đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch nước ngoài, theo quan điểm giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Nền quốc phòng toàn dân còn là nền quốc phòng không ngừng hiện đại, với sức mạnh quân sự nhà nước ngày càng lớn mạnh, sức mạnh quân đội nòng cốt, đủ sức răn đe và đánh thắng ngay từ thời bình. Như vậy, có thể khẳng định: Chỉ có xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc ngay từ thời bình mới có điều kiện để ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, kể cả chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao. Đó là lựa chọn tối ưu nhất đối với Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

2.2. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chỗ dựa chủ yếu để tiến hành chiến tranh nhân dân (nếu xảy ra), đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao

Có thể khẳng định, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh, chúng ta vẫn tiến hành theo đường lối chiến tranh nhân dân. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dựa trên sức mạnh của cả đất nước để đánh giặc, toàn dân là binh, đánh giặc với các loại vũ khí đa dạng: Đơn giản, thô sơ, hiện đại. Tác chiến với các cách đánh rất linh hoạt: du kích, chính quy, quy mô nhỏ, vừa, lớn, nhỏ lẻ, rộng khắp, đánh bên sườn, phía sau, đánh sâu, đánh hiểm... với nhiều hình thức và phương pháp thích hợp. Chiến tranh như thế hoàn toàn có thể chế ngự được ưu thế của vũ khí công nghệ cao, nhưng nó chỉ phát huy được hiệu quả dựa trên nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc và không ngừng hiện đại từ thời bình. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc là sự chuẩn bị tốt nhất về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tiềm lực và thế trận cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), bảo đảm điều kiện để đánh thắng trong chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Đặc tính cơ bản của vũ khí công nghệ cao là tính chính xác cao, nhưng nhiều loại vũ khí công nghệ cao hoạt động theo những quy luật nhất định, dựa vào nhận dạng địa hình, mục tiêu... Bằng tác chiến của chiến tranh nhân dân, ta làm thay đổi quy luật, biến dạng địa hình, di chuyển, dịch chuyển, làm mục tiêu giả, tổ chức hệ thống phòng không nhân dân rộng khắp, có thể hạn chế được hiệu quả của vũ khí công nghệ cao, tiêu diệt được các loại máy bay và tên lửa hành trình của địch. Giả sử địch có tác chiến điện tử mạnh, ta vẫn có thể chế áp điện tử được hiệu quả trinh sát của chúng; nếu chỉ huy, hiệp đồng bị gián đoạn, ta vẫn có thể tiến hành chiến tranh nhân dân để chiến đấu. Vũ khí công nghệ cao có uy lực mạnh, nhưng chắc chắn kẻ địch không có đủ để tiến công, phá hủy, xâm chiếm tất cả mọi mục tiêu trên khắp đất nước Việt Nam. Hơn nữa, với nền quốc phòng hiện đại, chúng ta vẫn có thể tiêu diệt được bộ phận lực lượng, phương tiện công nghệ cao của địch (năm 1972 ta đã bắn rơi máy bay B.52 của đế quốc Mỹ). Nhưng điều quan trọng hơn, bằng thế trận chiến tranh nhân dân, chúng ta có điều kiện để bảo toàn lực lượng, tồn tại sau các đòn tiến công hỏa lực mạnh bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Trong chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, tồn tại sau các đòn tiến công hỏa lực cũng là thắng lợi, vì Đảng còn, Nhà nước còn, Nhân dân còn, quân đội còn thì Việt Nam còn tiếp tục chiến đấu để giành chiến thắng. Đó là chưa nói, nếu chỉ tiến công bằng vũ khí công nghệ cao, thì chưa thể khuất phục được Việt Nam, còn khi kẻ địch tiến công trên bộ thì đó cũng là lúc chiến tranh nhân dân phát huy hiệu quả cao nhất.

Có thể nói, với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh thì đường lối duy nhất đúng vẫn là tiến hành chiến tranh nhân dân, một cuộc chiến tranh nhân dân đúng nghĩa thì không một thế lực nào có thể đánh bại được, kể cả là các thế lực tiến hành chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao. Nhưng cuộc chiến tranh ấy phải được chuẩn bị dựa trên cơ sở là kết quả xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc ngay từ thời bình. Vì vậy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vẫn là đường lối xây dựng nền quốc phòng, an ninh đúng đắn trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

3. Một số vấn đề đặt ra

- Tuyên truyền, giải thích cho lực lượng vũ trang và nhân dân hiểu rõ về vũ khí công nghệ cao và cách phòng chống, đấu tranh, phê phán các quan điểm đề cao vũ khí công nghệ cao, tuyệt đối hóa vũ khí công nghệ cao dẫn đến sợ sệt, thiếu tự tin, bi quan, giảm sút ý chí, quyết tâm chiến đấu.

- Giáo dục cho lực lượng vũ trang và nhân dân nhận thức đúng về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, từ đó xây dựng niềm tin vào khả năng có thể hạn chế được hiệu quả của vũ khí công nghệ cao từ nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc ngay từ thời bình, cơ sở để tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân (nếu xảy ra).

- Đầu tư nghiên cứu, phát triển lý luận về xây dựng nên quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong các điều kiện mới, đột phá tư duy truyền thống. Nói đến quốc phòng toàn dân là nói đến đơn giản, thô sơ, nhỏ lẻ, coi nhẹ yếu tố hiện đại, vì vậy cần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân hiện đại.

- Đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học quân sự chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tập trung nghiên cứu các giải pháp phòng, chống vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh. Nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là các loại hình tác chiến mới, phương pháp tác chiến mới và các biện pháp tác chiến trong điều kiện tác chiến bằng vũ khí công nghệ cao.

- Đầu tư, cải tiến, hiện đại hóa, sản xuất và mua sẵn một số vũ khí hiện đại, nhất là vũ khí chiến lược có tầm bắn xa, uy lực lớn, có khả năng răn đe có hiệu quả ngay từ thời bình, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Chúng ta không bảo thủ đến mức cố tình bảo vệ những điều không còn phù hợp với thực tiễn và lý luận, song sự thật về đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và chiến tranh nhân dân thì chưa lạc hậu. Nó vẫn là đường lối duy nhất đúng trong tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, kể cả khi xảy ra chiến tranh sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao. Nếu từ bỏ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chúng ta sẽ phải tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang với vũ khí công nghệ cao, điều này trái với truyền thống, không phát huy được sức mạnh vốn có của Việt Nam. Điều quan trọng nhất là trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể trang bị được hệ thống vũ khí công nghệ cao như của đối phương, nhất là khi buộc phải tiến hành chiến tranh. Vì vậy, trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn để bác bỏ quan điểm cho rằng “trong điều kiện tác chiến bằng vũ khí công nghệ cao, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là sai lầm”.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.149.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét