Năm qua, TP Hồ Chí Minh phát hiện xử lý hơn 100 vụ tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, phản ánh tố cáo và công tác điều tra, xét xử. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Lãnh đạo Bệnh viện thông đồng hợp thức hóa kit xét nghiệm
TP Hồ Chí Minh với quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước, dân số đông nên phát sinh nhiều về khối lượng giao dịch hành chính, kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, khối lượng tài sản, nhà đất công giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý là rất lớn… Do đó, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện các giải pháp cơ bản, đồng bộ có tác động hiệu quả, tuy nhiên công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường vẫn còn nhiều bất cập… Đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023 gửi Thanh tra Chính phủ (ngày 25/6), UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bị tha hóa, suy thoái về đạo đức, tư tưởng; việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đôi lúc còn bị buông lỏng... dẫn đến khả năng tình hình tham nhũng, tiêu cực đã và đang còn tiếp diễn rất tinh vi, do đó cần kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, Công ty Việt Á, Công ty Nam Phong, các bị can Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức), Nguyễn Lan Anh (cựu Phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) đã bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; Phạm Vũ Phong (Giám đốc Công ty Nam Phong) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”; Trương Thị Bảo Trân (nhân viên vật tư trang thiết bị y tế Bệnh viện TP Thủ Đức) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”…
Đáng nói trong số bị can này, cựu Phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức Nguyễn Lan Anh với vai trò là tổ trưởng tổ thẩm định đấu thầu vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức, dù biết rõ quy định quy trình về đấu thầu nhưng Nguyễn Lan Anh vẫn ký 8 hợp đồng mua bán với Công ty Nam Phong mà không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thầu… Tổng số tiền Bệnh viện TP Thủ Đức đã thanh toán là hơn 4,3 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Lan Anh thừa nhận do tin tưởng hồ sơ thầu đã có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu và chỉ định thầu rút gọn do cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức Nguyễn Minh Quân ký. Vì thế, Lan Anh ký hợp đồng mua bán với các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất với nhà thầu là Công ty Nam Phong.
Đồng thời, do tin tưởng nhân viên Phòng vật tư thực hiện đúng quy định nên Lan Anh đã ký hợp đồng mua bán với Công ty Nam Phong để mua sắm kit xét nghiệm phục vụ cho việc phòng chống dịch COVID-19. Việc Lan Anh ký 8 hợp đồng mua bán với Công ty Nam Phong mà không kiểm tra lại hồ sơ thầu để mặc hậu quả xảy ra dẫn tới gây thiệt hại cho Bệnh viện TP Thủ Đức hơn 3,1 tỷ đồng; qua đó giúp Công ty Nam Phong hưởng lợi gần 2 tỷ đồng.
Bản chất việc Bệnh viện TP Thủ Đức thực hiện hồ sơ các gói thầu cho hai công ty trên nhằm hợp thức hóa hồ sơ nhằm thanh toán số lượng kit xét nghiệm do Công ty Việt Á, Công ty Nam Phong cung ứng trước; gây thiệt hại cho Bệnh viện TP Thủ Đức gần 15 tỷ đồng…
Sai lệch hồ sơ chuyển nhượng bất động sản gây thất thoát
Một vụ việc khác liên quan đến Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh (TP Thủ Đức) mà đầu tháng 12/2023, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (nay là Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà - HDTC) trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất (trong dự án này) bằng 9 hợp đồng sang Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.
Trước đó, kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (trước thời điểm cổ phần hóa) chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất bằng 9 hợp đồng, trong đó có 3 hợp đồng tiến hành thẩm định giá và 6 hợp đồng không thẩm định giá bán.
Cụ thể, trong 3 hợp đồng thẩm định giá, có hợp đồng được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra và nhận định kết quả thẩm định sai lệch theo hướng làm giảm giá trị lô đất, trong khi đó, đơn giá được Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà chuyển nhượng thực tế còn thấp hơn đơn giá thẩm định tại Chứng thư Thẩm định giá nên có khả năng gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, Công ty HDTC đã bàn giao nền tái định cư trên đất vẫn đang quy hoạch là đất công viên cây xanh, đất xây dựng trường học tại Khu D không đúng quy hoạch được duyệt.
Đối với việc xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, quản lý trật tự xây dựng tại Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã xử phạt 4,5 tỷ đồng, đã thu gần 2,8 tỷ đồng…
Liên quan đến vụ việc trên, tháng 10/2023, ông Đinh Trường Chinh (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà) và ông Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng giám đốc Vinafood 2) đã bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan trong vụ thâu tóm “đất vàng” số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước…
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2023, tổng số cuộc thanh tra về tham nhũng đã được ban hành kết luận là 74 cuộc, đã chuyển cơ quan điều tra 5 cuộc/5 vụ với 7 đối tượng. Đó là 5 vụ việc xảy ra tại các đơn vị gồm: Trung tâm thể dục thể thao quận 1 (công tác thu chi tài chính); phường Hiệp Thành quận 12; Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh (tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp và công tác quản lý, sử dụng tài chính); Công ty phát triển Căn hộ hướng công viên (trong việc góp vốn, liên doanh và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc thành phố); Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (thực hiện dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức)…
Những con số “biết nói”
Thanh tra TP Hồ Chí Minh cũng chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn cho Cơ quan Công an thụ lý điều tra; UBND quận Gò Vấp chuyển điều tra vụ việc tham nhũng trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự đô thị, xây dựng và mua sắm, sửa chữa tài sản, công cụ dụng cụ xảy ra tại UBND phường 13 (Gò Vấp); Công an huyện Hóc Môn xử lý nhân viên trật tự đô thị xã Xuân Thới Đông tham nhũng (phát hiện, bắt quả tang Phan Ngọc Sơn - nhân viên Tổ quản lý trật tự đô thị xã Xuân Thới Đông có hành vi nhận tiền của người dân để bỏ qua lỗi vi phạm tại cổng B3, Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm huyện Hóc Môn)…
Bên cạnh đó, năm 2023, TP Hồ Chí Minh có 27 vụ án tham nhũng bị khởi tố điều tra; 37 vụ án tham nhũng bị đề nghị truy tố và 41 vụ án được xét xử. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 53 bị can về hành vi tham nhũng. Viện KSND thành phố truy tố 47 bị can về hành vi tham nhũng. Đồng thời, Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố cũng đã xét xử và tuyên án đối với 91 bị cáo về hành vi tham nhũng…
Từ các vụ việc tham nhũng được phát hiện, năm 2023 Sở Y tế đã kỷ luật hàng chục cá nhân, trong đó chủ yếu là các lãnh đạo tại Bệnh viện Mắt, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện quận Bình Tân, Trung tâm Giám định Y khoa…
Trong năm 2023, qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra thành phố đã thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 20 tỷ đồng/gần 26 tỷ đồng phải thu trong kỳ (đạt tỷ lệ 78,7%). Đồng thời, cơ quan điều tra 2 cấp Công an thành phố đã thu hồi được 59,34 tỷ đồng/223,84 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26,51%.
Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát qua công tác thi hành án, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã thu hồi tổng số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi theo bản án có điều kiện giải quyết là hơn 309 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 172 tỷ đồng (đạt 56%).
Với những con số “biết nói” kể trên, TP Hồ Chí Minh cũng tự nhìn nhận, đánh giá về những khó khăn, hạn chế về công tác PCTN trên địa bàn. Trong đó, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa đồng bộ, việc công khai minh bạch của cơ quan, đơn vị về thu, chi tài chính, mua sắm, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai còn hạn chế, thiếu sót…
Đặc biệt, các tài sản bị thất thoát là các tài sản được phát hiện sau khi có kết quả của công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử kéo dài, do đó các đối tượng đã có thời gian sở hữu tài sản lâu dài hoặc đã chuyển đổi qua các chủ sở hữu khác, thậm chí các đối tượng tiêu hủy các tài liệu chứng cứ có liên quan đến các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, gây khó khăn trong công tác xác minh, truy nguyên và thu hồi tài sản bị thất thoát.
Việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị buộc tội (hoặc chứng minh tài sản liên quan đến tội phạm) trong khi đó để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan chức năng phải trải qua quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kéo dài dẫn đến đối tượng có thời gian đối phó, tẩu tán, hợp lý hóa tài sản. Việc xử lý đối với các tài sản đã kê biên, phong tỏa trong các vụ án tạm đình chỉ điều tra còn gặp nhiều khó khăn.
Từ đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền…
Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi nhận được yêu cầu phối hợp của các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng cung cấp thông tin để các cơ quan tố tụng kịp thời phong tỏa, kê biên tài khoản liên quan đến dấu hiệu phạm tội nhằm thu hồi kịp thời tiền của các đối tượng phạm tội chiếm đoạt…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét