Vấn
đề mua bán người là một nguy cơ đặt ra nhiều thách thức toàn cầu trong những
năm qua, việc ngăn chặn, bảo vệ các nạn nhân bị mua bán, tăng cường truy tố,
xét xử những kẻ buôn người đòi hỏi sự chung tay giải quyết của tất cả các nước
trên thế giới. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hoạt
động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra phức
tạp, trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con
người, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Là
một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ
lực để hoàn thiện, phổ biến và triển khai hệ thống chính sách, pháp luật trong
phòng chống mua, bán người để tiệm cận với luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Việt
Nam đã ban hành Luật Phòng chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một
bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong
lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho
các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn
nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn
có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của
Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc
đẩy và bảo vệ quyền con người, trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán
người.
Quá
trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt
được nhiều kết quả tích cực như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về phòng, chống mua bán người được tiến hành đồng bộ với nội dung và hình
thức đa dạng phù hợp với các đối tượng tuyên truyền; công tác phòng ngừa xã
hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt; công tác phát
hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được
nhiều kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá; công
tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng hơn, bảo
đảm quyền của nạn nhân; công tác hỗ trợ nạn nhân được các cấp, các ngành quan
tâm, bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân; công tác hợp tác quốc
tế đã được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều
diễn đàn trên thế giới và khu vực.
Theo
kết quả tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, công tác điều tra,
truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, từ
khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, tổng số vụ án về mua bán người được khởi
tố 1.744 vụ với 3.059 bị can (các vụ án về mua bán người đều được Viện Kiểm sát
kiểm sát theo quy định, đạt tỉ lệ 100%); Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo
trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị cáo phạm các tội về mua bán người; đã
giải quyết, xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo (đạt tỉ lệ 98,4% về số vụ và 97,8%
số bị cáo). Việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được
kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân của tội
phạm mua bán người. Theo đó, từ năm 2012 đến tháng 2 năm 2023 đã tổ chức tiếp
nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Từ
kết quả nêu trên, có thể khẳng định việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống
mua bán người trong thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua
bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát
triển kinh tế-xã hội của đất nước, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống
mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét